Tình hình dịch bệnh do vi rút Zika đang có những diễn biến phức tạp, nguy cơ trở thành dịch ở nhiều nước Đông Nam Á. Phòng, chống vi rút Zika đang là một trong những nhiệm vụ được ngành Y tế hết sức chú trọng. Để có những thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika, phóng viên Báo Ninh Bình đã trao đổi với bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Xem hình
Ảnh minh họa. ST

Phóng viên:Trước tiên xin đồng chí cho biết tình hình dịch bệnh do vi rút Zika hiện nay trên thế giới và ở nước ta đang diễn ra như thế nào?

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Tính đến trưa ngày 5/9, Singapore đã có 242 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại quốc gia này được công bố hôm 27/8, các ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận.Hiện cũng đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, việc lây truyền của vi rút Zika mặc dù có chiều hướng chậm nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt ở những nơi có véc tơ truyền bệnh.

Đối với Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay đã phát hiện 3 bệnh nhân mắc vi rút Zika; trong đó từ tháng 4/2016, phát hiện 2 bệnh nhân mắc vi rút Zika đầu tiên đều là nữ, một người ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), một ở TP. Hồ Chí Minh và đầu tháng 8 vừa qua phát hiện thêm 1 nam thanh niên mắc bệnh tại Phú Yên. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng chống và ngăn chặn sự lây lan, phát tán của dịch bệnh.

Đặc biệt, trước sự lây truyền mạnh của vi rút Zika ở Singapore, sáng 1/9, Bộ y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Khánh Hòa, là các điểm có nguy cơ cao nhằm mục tiêu tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika. Đồng thời, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: vi rút Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya.Test Trioplex được Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ.

Cuộc họp đã thống nhất tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika, đưa ra các tiêu chí lấy mẫu xét nghiệm để tránh bỏ sót nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika nếu có, sử dụng kĩ thuật xét nghiệm mới cùng lúc phát hiện 3 tác nhân gây bệnh để có thể tổ chức phòng chống kịp thời. Đồng thời nêu tiêu chuẩn lựa chọn các tỉnh, thành phố giám sát ưu tiên cho những nơi có trường hợp nhiễm Zika, có liên quan dịch tễ với các trường hợp nhiễm Zika, có mật độ muỗi Aedes cao, có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue cao, có giao lưu đi lại nhiều trong nước và quốc tế...

Phóng viên:Được biết, sự lây lan của vi rút Zika là rất lớn, nhất là khi bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bác sĩ có thể cho biết vi rút này sẽ gây ra những bệnh gì?

Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Vi rút Zika là một virus lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes (muỗi vằn) bị nhiễm. Tên của vi rút lấy tên từ khu rừng Zika, gần hồ Victoria ở Uganda, nơi đã tìm thấy đầu tiên vào năm 1947. Vi rút Zika thường dung nạp tốt, không có triệu chứng điển hình khi bị nhiễm, nó tương tự như dạng nhẹ của bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng da hay bệnh West Nile, được gây ra từ các flavivirus khác nhau.

Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định rằng vi rút Zika chính là nguyên nhân gây ra bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh cũng như hội chứng tổn thương hệ thần kinh có thể dẫn tới bại liệt. Hiện nay ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người; trong đó có các nước rất gần Việt Nam như Lào, Trung Quốc, Campuchia, Singapore.… Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Có một số bằng chứng cho thấy, vi rút Zika có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và lây qua đường tình dục. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn, các trường hợp tử vong do bệnh là rất hiếm gặp.

Phóng viên: Được biết đây là loại virus có thể gây bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em, vậy làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu mắc bệnh và cách phòng tránh, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Hoàng Nam:Bệnh do vi rút Zika thường không có triệu chứng điển hình và tương tự như một dạng nhẹ của bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng da. Người nhiễm vi rút Zika thường có những biểu hiện như: Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Viêm xung huyết kết mạc (gần như đau mắt đỏ), đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. Một người bình thường khi có các dấu hiệu trên cần báo ngay cho cơ quan Y tế để chẩn đoán, xác định và làm xét nghiệm để xác định bệnh.

Để chủ động phòng tránh bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành vi rút Zika chủ động tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Những người mẹ đang mang thai trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ nên trì hoãn các chuyến công tác tới địa phương và các quốc gia đang có dịch lưu hành.

Để phòng tránh vi rút Zika có hiệu quả, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng và thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thường xuyên thay nước bình hoa... Người dân sống trong khu vực lưu hành muỗi Aedes cần phòng muỗi đốt bằng bôi hoá chất đuổi muỗi hoặc mặc quần áo dài để tránh bị muối đốt, đóng các cửa để muỗi không vào nhà, nằm màn khi ngủ kể cả ban ngày (khi muỗi hoạt động). Khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời nhằm hạn chế các diễn biến nặng của bệnh cũng như sự lây lan ra cộng đồng.

Phóng viên: Hiện vi rút Zika đang diễn biến hết sức phức tạp, vậy tỉnh ta đã và sẽ làm gì để phòng chống sự lây lan của loại vi rút trên, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Hoàng Nam:Với 3 trường hợp trong cả nước đã phát hiện nhiễm vi rút Zika, đặc biệt dịch đang lan nhanh tại đất nước Singapore, thì nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh ta là hoàn toàn có thể. Điều đáng lưu ý là, tỉnh Ninh Bình là một trong những tỉnh có lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái khá đông; mặc dù chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào nhưng chúng ta không thể chủ quan, lơ là, cần phải chủ động công tác dự phòng và đây cũng là một trong những nhiệm vụ được Ngành Y tế Ninh Bình hết sức quan tâm, chú trọng.

Theo đó, với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp nhiễm virus Zika, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra, toàn ngành đã xây dựng các tình huống cụ thể để có biện pháp ứng phó phù hợp. Ngoài tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động trong tỉnh và các đơn vị y tế địa phương, ngành Y tế quan tâm chú trọng các hoạt động nhằm thực hiện tốt việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là những vùng có yếu tố dịch tễ liên quan, lồng ghép với việc giám sát trọng điểm bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là những nơi có chỉ số muỗi Aedes cao. Đồng thời có phương án cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế, hóa chất, vật tư để lấy mẫu gửi cho tuyến khu vực hoặc Trung ương để xét nghiệm phát hiện virus Zika. Thêm vào đó quan tâm rà soát, xây dựng, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng, xử lý ổ dịch, xét nghiệm theo tình hình dịch và tổ chức phổ biến, tập huấn cho các cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch. Việc kiện toàn các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý ổ dịch cũng được ngành đặc biệt chú trọng.

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch trên thế giới, trong nước, xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại những nơi đông người, các cơ sở điều trị và cộng đồng, đặc biệt chú ý đến phụ nữ đang có thai hoặc chuẩn bị có thai. Trong tuyên truyền sẽ tập trung cung cấp thông tin cho người dân, cán bộ y tế, nhân viên làm việc tại các khu, điểm du lịch, nhân viên phục vụ công cộng về bệnh do virus Zika và các biện pháp phòng chống, để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt cho những người đi/đến/về từ quốc gia có dịch. Vận động người dân thường xuyên áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi và các hoạt động phòng nỗ hu dựa vào cộng đồng.

Ngành cũng đã xây dựng các tình huống cụ thể, khi dịch chưa xảy ra, khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, khi có dấu hiệu lây lan thành dịch... để có các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt nhất việc kiểm soát, điều trị, khống chế sự lây lan của bệnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!