Trong nhóm người bệnh nhồi máu cơ tim trẻ tuổi thường ít liên quan đến các bệnh lý mạn tính. Nhưng thường có thể liên quan đến tình trạng thừa cân, ít vận động, stress, lạm dụng thuốc lá, rượu bia.  

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân (25 tuổi, trú tại Quảng Xương, Thanh Hóa) nhập viện với dấu hiệu đau ngực trái, khó thở. Sau đó, người bệnh đột ngột xuất hiện cơn đau dữ dội vùng ngực sau xương ức và ngực trái, cơn đau không lan và kéo dài khoảng 5 phút kèm theo khó thở, vã mồ hôi.

Khai thác tiền sử bệnh, người bệnh chưa từng phát hiện các bệnh lý về tim mạch hay các bệnh lý mạn tính trước đây. Tuy nhiên, người bệnh có sử dụng thuốc lá trong nhiều năm (khoảng hơn một bao/ngày).

Qua thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm điện tâm đồ đã chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp và được chỉ định chụp động mạch vành qua da. Kết quả cho thấy, huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành thủ thuật hút huyết khối và đặt stent cho người bệnh. Sau can thiệp, người bệnh không còn cảm thấy đau tức ngực và khó thở, có đáp ứng tốt nên được sắp xếp ra viện sau 5 ngày điều trị.

ThS.BS Lưu Tuấn Việt - Khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, có thể thấy bệnh lý tim mạch không còn của riêng nhóm người bệnh lớn tuổi, mà có thể gặp trên những người trẻ tuổi thậm chí rất trẻ. Trong nhóm người bệnh nhồi máu cơ tim trẻ tuổi thường ít liên quan đến các bệnh lý mạn tính. Nhưng thường có liên quan đến tình trạng thừa cân, ít vận động, stress, lạm dụng thuốc lá, rượu bia.

Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim cấp ở người bệnh trẻ tuổi (< 45 tuổi) đã tăng dần theo thời gian, tỷ lệ khoảng 6 - 10% tổng số người bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Đây là nguyên nhân quan trọng gây bệnh và tử vong ở người trẻ tuổi trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, đa số các người bệnh trẻ tuổi đều xơ vữa động mạch sớm, nguyên nhân đáng kể do lối sống và yếu tố nguy cơ di truyền như hút thuốc lá nhiều, tăng cholesterol máu tính chất gia đình.

Điển hình, khói thuốc lá có hơn 4.000 thành phần hóa học, trong đó có hàng trăm thành phần gây hại đến sức khỏe con người. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây các bệnh lý tim mạch như bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp, các bệnh lý về hô hấp, hơn 20 bệnh lý ung thư khác nhau và nhiều bệnh lý khác.

Trong đó, thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới, hơn 7 triệu ca tử vong trong số đó là kết quả của việc sử dụng thuốc lá trực tiếp trong khi khoảng 1,3 triệu ca là kết quả của việc những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

Bác sĩ khuyến cáo, hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến chính sức khỏe người sử dụng mà còn gây hại đến sức khỏe những người xung quanh. Vì vậy, hãy dừng hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thân xung quanh.

Thu Trang(Theo daibieunhandan.vn)