Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc điều phối chuyển hoá canxi và do đó có tác động trực tiếp đến sự phát triển của xương. Thiếu Vitamin D, trẻ dễ có nguy cơ bị còi xương và thấp còi.
Xem hình

     Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu phát hiện rằng thụ thể Vitamin D hiện diện khắp các mô và tế bào trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch nội tại của cơ thể Vitamin D đóng vai trò kiểm soát và điều phối gần 1000 gien trong cơ thể chúng ta.

            Nghiên cứu cho thấy có một tỷ lệ lớn dân số trên thế giới, kể cả các nước nhiệt đới, thiếu Vitamin D ( khoảng 30-50%). Nghiên cứu ở vùng phía Bắc của Mỹ trên trẻ từ 6 đến 21 tuổi trong mùa đông cho thấy tỷ lệ thiếu Vitamin D là 68% ; trong đó trẻ em da trắng là 51% và trẻ em da đen là 94%. Nghiên cứu ở một nước có nhiều nắng như Quata cũng cho thấy tỷ lệ thiếu Vitamin D còn rất cao: 61,6% ở trẻ từ 11-16 tuổi; 18,9% ở trẻ từ 5-10 tuổi và 9.5% ở trẻ dưới 5 tuổi. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thiếu Vitamin D ở trẻ từ 12 đến 24 tháng là 65.3%.

            Thiếu Vitamin D ở trẻ em không chỉ gây ra còi xương mà còn ngăn cản sự phát triển về chiều cao và độ đặc của xương. Trẻ thiếu Vitamin D có nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi và xương chậm phát triển. Nghiên cứu trên trẻ em gái cho thấy những em không bị thiếu Vitamin D có chiều cao lớn hơn những em bị thiếu Vitamin D.

            Ngoài ra, khi thiếu Vitamin D liên quan tới tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn. Các nghiên cứu ở Mỹ và Châu Âu cho thấy Vitamin D3 làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm. Bổ sung hàng ngày Vitamin D làm giảm nguy cơ tử vong. Vitamin D3 làm tăng khả năng miễn dịch với bệnh lao, Vitamin D có thể có lợi trong chống lại một số tác nhân vi khuẩn và vi rút. Một nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy tình trạng thiếu Vitamin D tiền lâm sàng liên quan tới tình trạng bệnh nặng của nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, tình trạng thiếu Vitamin D tren lâm sàng làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi lên tới 13 lần ở trẻ em Ethiopia.

            Tại Việt Nam nghiên cứu cắt ngang trên 382 học sinh tiểu học từ 6 đến 11 tuổi tại các trường tiểu học của TP Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Quảng Bình, TP Huế, TP Hồ Chí Minh và Tỉnh Bến Tre cho thấy tỷ lệ trẻ có hàm lượng Vitamin D huyết thanh thấp ở trẻ trai thành thị là 19,94%, trẻ gái là 13,59%. Nhóm trẻ gái ở khu vực Thành Thị có tỷ lệ thiếu Vitamin D cao nhất ( 58,36%), tiếp đến là nhóm trẻ trai ở khu vực NT (49,76%), Nhóm trẻ trai ở khu vực thành thị và nhóm trẻ gái ở khu vực NT cí tỷ lệ thiếu Vitamin D là 46,69% và 46,65%.

            Nguồn Vitamin D trong tự nhiên từ thực phẩm là rất ít, chủ yếu trong mỡ cá, gan và dầu của cá hồi, cá thu, trứng gà... Nguồn Vitamin D hấp thu từ thực phẩm chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu của cơ thể,nguồn Vitamin D chủ yếu (90%) được cơ thể tổng hợp khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đề phòng chống thiếu Vitamin D, ngoài việc bổ sung Vitamin D nên cho trẻ tắm nắng và tăng cường luyện tập thể lực. Giáo sư Michael F. Holick khuyến cáo chỉ cần tiếp xúc hai tay và hai chân từ 5 đến 30 phút với ánh nắng mặt trời ( tuỳ vào thời điểm trong ngày, mùa, vĩ độ và màu da), 2-3 lần một tuần là đủ lượng Vitamin D cần thiết cho cơ thể.

 

TS. Bùi Thị Nhung

 Phó khoa Dinh dưỡng học đường -  Viện Dinh Dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả:  Phó khoa Dinh dưỡng học đường -  Viện Dinh Dưỡng