Để giảm thiểu tối đa các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra, người bệnh cần phải tuân thủ theo phát đồ điều trị, đồng thời điều chỉnh lối sống theo hướng lành mạnh, tăng cường luyện tập thể lực và dinh dưỡng hợp lý.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Hoạt động luyện tập thể lực:
- Để đảm bảo cho việc luyện tập thể lực đạt hiệu quả cao, trước khi tiến hành luyện tập, người bệnh cần đi khám để kiểm tra những biến chứng về tim mạch, mắt, thần kinh, biến dạng chân trước khi luyện tập và đo huyết áp, nhịp tim.
- Lựa chọn loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất như: đi bộ 30 phút mỗi ngày, không nên ngưng luyện lập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập những bài tập kháng lực 2-3 lần như kéo dây, nâng tạ.
- Đối với người già, đau khớp nên chia tập nhiều lần trong ngày, ví dụchia đi bộ ra làm 3 lần trong ngày sáng – trưa – tối, mỗi lần 10-15 phút. Người còn trẻ nên tập khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực 3 lần mỗi tuần.
Về dinh dưỡng bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ nguyên tắc:
- Đối với bệnh nhân béo phì, thừa cân cần giảm cân.
- Dùng các loại tinh bột hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen còn chứa nhiều chất xơ...
- Dùng đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày ở người bệnh không bị suy chức năng thận. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Đối với người ăn chay trường có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu như đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ.
- Dùng các loại mỡ có chứa acid béo không no như dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá. Cần tránh các loại mỡ phát sinh khi ăn thức ăn rán, chiên ngập dầu mỡ.
- Giảm muối trong bữa ăn, còn khoảng 2300 mg Natri mỗi ngày.
- Chất xơ ít nhất 15 gam mỗi ngày.
- Chú ý bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu.
- Ngưng hút thuốc, hạn chế rượu bia.
Thường xuyên luyện tập thể lực và dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, giúp cơ thể rắn chắc mà còn cải thiện chức năng tim mạch, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường./.