Amiang là khoáng chất tồn tại trong tự nhiên, được khai thác thành sản phẩm thương mại từ hơn 100 năm nay.

Có nhiều loại amiang khác nhau như amiang xanh, nâu, trắng... trong đó amiang được sử dụng hiện nay chủ yếu là amiang trắng. Amiang trắng (Chrysolite Asbestos) có dạng sợi, màu trắng từ lâu là nguyên liệu của nhiều sản phẩm công nghiệp như tấm lợp fibroximang (thường gọi là tấm lợp bro), má phanh động cơ xe, các vật liệu bảo ôn, cách âm, cách nhiệt, vật liệu chống cháy…

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tác hại của amiang trắng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng là gây bệnh bụi phổi amiang, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), ung thư thực quản, buồng trứng... Người tiếp xúc với amiang thường phát bệnh sau 20-30 năm. Amiang trắng được đánh giá là chất gây ung thư nghề nghiệp nguy hiểm nhất, gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiang gây ra mỗi năm là hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với bệnh tật. Ước tính khoảng 50% số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới có nguyên nhân liên quan tiếp xúc với amiang trắng. Số người chết do ung thư phổi liên quan tới amiang trắng là 41.000 người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiang trắng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều amiang trong quá khứ. Năm 2008, chi phí cho các bệnh liên quan đến amiang là 2,4 tỷ USD so với 802 triệu USD giá trị kinh tế mà amiang đem lại.

            Hiện nay, ở Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất tấm lợp phân bố ở 23 tỉnh, thành phố với 70 dây chuyền, công suất đạt 75-100 triệu m2/ năm. Trung bình hàng năm lượng amiang tiêu thụ khoảng 65.000 tấn, năm 2012 gần 79.000 tấn để sản xuất khoảng 80 triệu m2 tấm lợp fibroximang cung cấp cho thị trường trong nước. Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, điều kiện bảo hộ lao động cho người lao động tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp. Công tác giám sát sức khỏe định kỳ của người lao động trong phòng chống các bệnh liên quan đến amiang ở Việt Nam thường gặp khó khăn do thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với amiang kéo dài 20-30 năm, người lao động thường phát bệnh khi đã nghỉ hưu. Ngoài ra, điều đáng lo hơn là hiện còn có hàng triệu người đang sử dụng tấm lợp có chứa amiang (các hộ gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo). Khi tấm lợp bị hư hại do sử dụng lâu ngày, chất thải có amiang bị thải bỏ tự do ra môi trường gây nguy hại đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em. Tổn thất kinh tế trong việc bồi thường, điều trị, xử lý chất thải, chắc chắn sẽ vượt xa số thuế mà ngành vật liệu amiang đem lại.

            Tính đến cuối năm 2013, có hơn 50 nước bao gồm tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đã cấm sử dụng tất cả các dạng amiang, kể cả amiang trắng để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Trước những tác hại của amiangtrắng đối với sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế và Tổ chức y tế Thế giới (WHO) cùng với nhiều tổ chức và các nhà khoa học đangcùng khuyến cáo Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách sớm cấm sử dụng amiang trắng tại Việt Nam.

T5G