Thiếu máu là bệnh thường gặp ở phụ nữ khi mang thai làm cho người mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, tăng nguy cơ đẻ non, suy dinh dưỡng thai nhi, thậm chí gây tử vong mẹ và thai nhi. Vậy thiếu máu khi mang thai có biểu hiện như thế nào và cách phòng tránh ra sao? Dưới đây là một số thông tin cần thiết giúp bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về thiếu máu trong thời kỳ mang thai.
Xem hình
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyên nhân thiếu máu thời kỳ mang thai:

Khi mang thai, cơ thể người mẹ luôn có sự tăng lượng máu và đến cuối thời kỳ thai nghén thường tăng khoảng từ 30 – 50% so với người bình thường. Sự chuyển hóa chất sắt cũng biến đổi theo chiều hướng tăng lên do sự tăng tạo hồng cầu và nhu cầu của thai nhi. Việc này làm tăng huy động sắt dự trữ trong cơ thể người mẹ và suy giảm đến một thời điểm sẽ gây nên tình trạng thiếu máu. Bên cạnh đó, sự thiếu acide folic và vitamin B12 cũng gây ra thiếu máu trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và trú trọng vào các chất như sắt, acide folic, vitamin B12. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu máu như: phụ nữ có tiền sử sinh đẻ nhiều lần, cho con bú kéo dài, đa thai, chảy máu kéo dài trước lúc có thai (rong kinh, rong huyết…), hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu (đặc biệt là nhiễm khuẩn mãn tính đường tiết niệu) cũng làm tăng nguy cơ thiếu máu cho phụ nữ mang thai.

Những dấu hiệu của thiếu máu thời kỳ mang thai:

Tình trạng thiếu máu trong thời kỳ mang thai là khi tỷ lệ hemoglobin < 10g/100ml và kèm theo các dấu hiệu như: da, niêm mạc nhợt nhạt, cơ thể luôn cảm thấy yếu, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, khó thở, ù tai, hay bị chóng mặt, ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ có thể bị viêm lưỡi, đôi khi có thể có thêm dấu hiệu vàng da nhẹ. Thiếu máu có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong suốt quá trình mang thai.

Để chắc chắn về tình trạng thiếu máu thì người phụ nữ cần đến cơ sở y tế tin cậy để khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm xác định tình trạng thiếu máu cũng như có hướng điều trị thích hợp.

 

 

Phòng bệnh thiếu máu trong thai kỳ:

+ Trước khi mang thai: khi có kế hoạch mang thai, bạn cần đi khám sức khỏe và làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm tình trạng thiếu máu hoặc một số bệnh lý khác. Để từ đó xây dựng cho mình một kế hoạch mang thai an toàn.

+ Đăng ký quản lý thai nghén là việc làm quan trọng, giúp phát hiện sớm tình trạng thiếu máu trong thai kỳ. Bạn sẽ được theo dõi sức khỏe định kỳ theo lịch cụ thể, cùng với các xét nghiệm để chẩn đoán sớm nhiều bệnh lý trong đó có thiếu máu thai kỳ.

+ Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý nhiều năng lượng cho mẹ, nhất là những loại thực phẩm chứa nhiều sắt (các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, các loại rau xanh như cải thìa, bông cải xanh), acide folic(ngũ cốc các loại, trứng, sữa…), vitamin B12. Để tăng khả năng hấp thu sắt bạn nên kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, nước ép cà chua hay dâu tây.

+ Áp dụng chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

+ Theo dõi kĩ thời kỳ mang thai nếu xuất hiện các dấu hiệu thiếu máu bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế tin cậy để được khám và tư vấn hợp lý./.

Tác giả: Bác sĩ: Hà Nhi - TTTTGDSK