Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp và có nhiều nguyên nhân. Nếu chỉ bị tiêu chảy một vài lần trong ngày thì không đáng ngại, nhưng khi “đi” quá nhiều và kéo dài thì phải chữa trị tích cực, kết hợp điều trị triệu chứng với nguyên nhân.
Xem hình
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè vì ruồi nhặng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm, ăn hoa quả sống rửa không sạch... 

 

Nguyên nhân

 

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiêu chảy là một loại vi rút đường ruột và có thể được gây ra bởi: nhiễm trùng do vi khuẩn (là nguyên nhân của hầu hết các loại ngộ độc thực phẩm); nhiễm trùng bởi các sinh vật khác: như nấm, ký sinh trùng…; dị ứng với một số loại thực phẩm như: tôm, hải sản; hoặc do dùng thuốc.

 

Triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp 

 

- Bụng đầy hơi, đau âm ỉ hoặc đau quặn lại;

- Phân lỏng, không thành khuôn;

- Phân dạng nước;

- Cảm giác không kìm được khi đi ngoài;

- Buồn nôn và nôn.

Ngoài các triệu chứng mô tả ở trên, còn có thể có biến chứng nghiêm trọng bao gồm: phân có máu, chất nhầy, hoặc thức ăn không tiêu trong phân; sút cân nhanh.

 

Điều trị tiêu chảy cấp tại nhà

 

Khi bị tiêu chảy cấp chúng ta có thể điều trị tại nhà bằng cách:

 

- Không để cho cơ thể bị thiếu nước trầm trọng bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước đun sôi được chia thành nhiều lần hoặc uống dung dịch oresol để bù lại lượng nước đã mất.

 

- Cho người bệnh ăn nhẹ bằng những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

 

- Tránh dùng những thực phẩm có gia vị, đồ uống có cồn, cà phê… trong vòng 48 giờ sau khi hết tiêu chảy.

 

- Tránh dùng kẹo cao su chứa đường.

 

Những trường hợp dưới đây cần gặp bác sĩ hoặc phải nhập viện ngay:

 

- Có dấu hiệu mất nước ngày càng nặng (da khô, mắt lõm, khát nước liên tục…).

- Tiêu chảy trầm trọng (đi ngoài phân lỏng trên 10 lần trong 24 giờ).

- Phân đen như bã cà phê hoặc lẫn máu.

- Sốt cao.

 

Để đề phòng tiêu chảy cần

 

Không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, uống nước lã...

Không ăn thức ăn đã nấu chín nhưng để thời gian quá lâu mà không được bảo quản cẩn thận vì có thể ruồi, nhặng hoặc gián xâm nhập mang theo mầm bệnh trong đó có vi khuẩn tả. Dùng nước sạch để rửa thực phẩm.

Dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm, dùng trong bữa ăn như bát, đũa, cốc, chén, thìa... sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng qua nước đang đun sôi.

 

TTGDSK