Đau dây thần kinh V là một triệu chứng đặc thù (không phải là một bệnh). Trên 70% bệnh nhân bị đau dây thần kinh V trên 70 tuổi, đau dây V cũng được liên kết với những nguyên nhân và cơ chế sinh lý bệnh khác nhau

Người bị đau sẽ thấy cơn đau xảy ra đột ngột và đau rất nặng, thường gặp nhất là dạng giống điện giật và kéo dài từ vài giây cho đến không quá một phút. Đau này thường là tự phát hoặc xuất phát từ một điểm đau như cò súng (trigger spot). Đau dây thần kinh số V thường xuất hiện một bên, cũng có một số rất hiếm xuất hiện đau dây V hai bên, chiếm 3-6% trường hợp. Những cơn đau hai bên không phải xuất hiện cùng một lúc mà đau một bên trong thời gian dài sau đó mới xuất hiện phía đối bên.

          Cơn đau thường được khởi phát do những kích thích về cảm giác như sờ, chạm vào mặt, khi đánh răng, nhai thức ăn, thậm chí khi gió thổi vào mặt… Ngoài triệu chứng đau thì bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường nào khác. Đây là yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán bệnh.

          Đa số các bệnh nhân đau dây thần kinh V khi khám lâm sàng là hoàn toàn bình thường hoặc chẩn đoán nhầm ngay từ ban đầu do bệnh sâu răng hoặc những bệnh lý khác có liên quan đến răng và phần lớn các bệnh nhân này đã nhổ răng hàm trên hoặc hàm dưới cùng một phía với đau dây thần kinh V2 hoặc V3 rất đặc hiệu. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đau ở 1/2 mặt liên quan đến một số bệnh lý vùng góc cầu - tiểu não như xơ cứng rải rác (multiple sclerosis), u màng não (meningiomas), u dây V (schwannomas), u nang thượng bì (epidermoid cyst…). Chỉ có từ 5-8% bệnh nhân đau dây thần kinh V là do các u đã nêu trên. Phần lớn các u nang thượng bì vùng góc cầu- tiểu não thường có ảnh hưởng đến đau dây V và sau khi loại bỏ u nang này, đau dây V sẽ cải thiện hoàn toàn.

          Để chẩn đoán đau dây V đặc hiệu dựa trên bệnh sử của đau, khám thực thể, X.quang sọ vùng hàm mặt và CT.Scan sọ có thể đánh giá bước đầu về sự bất thường có liên quan đến đau của bệnh nhân, kết quả thường là bình thường, từ đó đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.

          Có hai cách điều trị đau dây V: điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

          - Đối với điều trị nội khoa: Giống như phần lớn các trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh, đau thần kinh V sẽ không đáp ứng với giảm đau thông thường và đề kháng với Morphine. Tuy nhiên một số thuốc hướng dẫn thần kinh và tâm thần có hiệu quả khi dùng.

          Sử dụng thuốc với chủng loại và liều lượng thích hợp sẽ giúp làm giảm hay hết triệu chứng đau của người bệnh. Hầu hết tất cả các bệnh nhân đều có giai đoạn đầu đáp ứng với điều trị nội khoa dùng thuốc, và đây cũng là một đặc điểm điển hình của bệnh lý này. Tuy nhiên sau đó khoảng 75% các trường hợp sẽ không còn thấy giảm đau khi dùng thuốc và bắt buộc phải điều trị bằng các can thiệp ngoại khoa.

          - Đối với điều trị ngoại khoa: Hầu như 90% các bệnh nhân đau dây thần kinh số V thường khởi đầu điều trị nội khoa với 2 loại thuốc thông dụng duy nhất là Carba-mazepine và Phenytoin trong một thời gian dài cho đến khi phải dùng liều cao hoặc không còn tác dụng với 2 loại trên thì người bệnh yêu cầu điều trị bằng phương pháp ngoại khoa.

          Người bệnh có thể can thiệp bằng phẫu thuật và thủ tục do chỉ định của bác sỹ đối với những trường hợp điều trị bằng thuốc thất bại hay bệnh nhân có những tác dụng phụ nặng nề khi uống thuốc. Với phương pháp này nhằm phá hủy một phần dây thần kinh V có hoặc không có sự chọn lọc các sợi cảm hoác chuyên biệt nhằm làm ức chế các dẫn truyền cảm giác hay ngăn chặn sự kích thích của các yếu tố làm khởi phát cơn đau.

          Hiện nay, một trong những phương pháp được điều trị hiệu quả nhất là vi phẫu giải ép vi mạch. Nguyên tắc của phương pháp này là tách mạch máu và di chuyển nó ra khỏi vị trí chèn ép vào dây thần kinh số V dưới kính vi phẫu và khi dây V không còn bị chèn ép nữa nghĩa là chúng ta đã giải quyết được nguyên nhân gây bệnh.

          Như vậy, đau dây thần kinh số V là một loại đau rất rất khó chữa bằng thuốc. Do đó, một trong những phương pháp ngoại khoa được thực hiện là giải ép vi mạch với tỷ lệ thành công từ 85%-98%.