Hướng ứng ngày thế giới phòng, chồng bệnh Lao

1.Bệnh lao là gì? Biểu hiện của bệnh lao là gì?

          - Bệnh lao là một bệnh do vi khuẩn lao gây nên, vi khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tubeculoris.

          - Bệnh lây truyền theo đường hô hấp. Khi người mắc bệnh lao Phổi hoặc lao Thanh quản có ho, hắt hơi, nói hoặc khạc đờm… vi khuẩn lao phát tán ra ngoài không khí, người lành hít phải vi khuẩn lao sẽ trở thành người nhiễm lao. Người nhiễm lao có vi khuẩn lao tồn tại trong cơ thể ở dạng ngủ không hoạt động, khi gặp điều kiện thuận lợi như: mắc bệnh cúm, tiểu đường, loét dạ dày hành tá tràng mãn tính, dùng thuốc corticoide kéo dài… đặc biệt là người nhiễm HIV/AIDS bị suy giảm miễn dịch… lúc đó vi khuẩn lao có cơ hội phát bệnh.

          - Vi khuẩn lao có thể gây tổn thương ở bất cứ bộ phận trên nào cơ thể người. Tuy nhiên lao phổi gặp nhiều nhất chiếm khoảng 80%, còn lại các thể lao khác như: lao màng phổi, lao hạch, lao màng não, lao xương khớp, lao tiết niệu, sinh dục, lao da… chiếm khoảng 20%.

          - Lao phổi hay gặp và cũng dễ nhận biết nhất, người mắc bệnh lao phổi thường thấy các biểu hiện như:

+  Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần dùng thuốc kháng sinh thông thường mà không đỡ. Đây là dấu hiệu thường gặp nhất.

+ Có thể ho ra máu hoặc ho khạc đờm lẫn máu.

+ Sốt nhẹ về chiều hoặc có thể chỉ hơi gai rét hoặc ớn lạnh về chiều và tối.

+ Gầy sút cân, mệt mỏi, ăn kém…

+ Tức ngực, đôi khi có khó thở.

+ Có thể ra mồ hôi trộm về đêm.

2. Khi biết có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao cần làm gì?

Người bệnh chỉ cần có một hay nhiều dấu hiệu nói trên nên đi khám tại Bệnh viện đa khoa huyện, thị xã  hoặc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi  Ninh Bình để được chụp X-quang và xét nghiệm đờm để phát hiện sớm bệnh lao, để được điều trị kịp thời và phòng lây nhiễm cho mọi người.

          3. Khi mắc bệnh lao thì cần được điều trị và dự phòng bệnh như thế nào để đạt hiệu  quả cao đối với người bệnh và cộng đồng.

          - Bệnh lao là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chính vì vậy khi đã được chẩn đoán chính xác là bệnh lao cần được điều trị càng sớm càng tốt.

          - Việc điều trị cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Thời gian điều trị kéo dài từ 6 đến 8 tháng, vì vậy phải được theo dõi giám sát chặt chẽ trong quá trình điều trị. Hiện tại có 2 phác đồ điều trị bệnh lao, phác đồ I (4 loại thuốc- thời gian 6 tháng) điều trị cho những người mới mắc lao lần đầu, phác đồ II (5 loại thuốc- thời gian 8 tháng) điều trị cho những người đã có tiền sử điều trị lao trước đây hoặc lao tái phát vv. Bệnh lao có thể điều trị ngay từ đầu tại trạm y tế xã, tuy nhiên do dùng nhiều loại thuốc lao cùng lúc, tác dụng phụ nhiều nên có thể:

          + Giai đoạn tấn công được theo dõi và điều trị tại BVĐK huyện hoặc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.

          + Giai đoạn duy trì điều trị ngoại trú tại trạm y tế xã: bệnh nhân được cán bộ y tế xã cấp thuốc và theo dõi điều trị hàng tháng tại trạm y tế xã.

- Hiện nay còn nhiều người vẫn còn kỳ thị với người bệnh lao. Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian, người bệnh cần được động viên từ những người thân của gia đình và cộng đồng, nên sống hòa đồng cùng với người bệnh lao, sinh hoạt bình thường cùng người bệnh. Vì vi khuẩn lao chỉ lây truyền qua đường hô hấp, không lây qua các đồ dùng như: bát đũa, thìa, chén, điện thoại hay các đồ dùng khác… Mặt khác chỉ sau khi dùng thuốc từ 2 tuần vi khuẩn lao hầu như không còn khả năng lây bệnh.

4. Bệnh lao nếu bỏ dở điều trị thì người bệnh sẽ như thế nào?

- Bệnh lao nếu điều trị không đủ thời gian, không đúng liều lượng, không đúng phác đồ  sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, người bệnh khi mắc lao trở lại sẽ rất khó khăn trong việc dùng thuốc điều trị. Mặt khác khi người lành bị lây nhiễm vi khuẩn lao từ người điều trị thuốc lao không đủ thời gian, mặc dù chưa dùng thuốc điều trị lao bao giờ cũng rất khó khăn trong việc sử dụng thuốc, vì vi khuẩn lao đó rất có thể đã kháng lại thuốc chống lao.

- Vì vậy người bệnh cần điều trị đủ thời gian để tránh gây kháng thuốc sau này và cũng phòng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhân ngày thế giới chống lao 24/3/2015 với chủ đề:Điều trị bệnh lao không đơn giản chỉ là cứu sống một người mà còn phòng cho rất nhiều người. Tôi xin gửi đến quý vị và các bạn thông điệp đó là:

-Điều trị bệnh lao cho một người không chỉ là cứu sống một con người mà còn phòng cho 10 người.

- Phát hiện và điều trị sớm bệnh lao là phòng bệnh cho chính mình và mọi người xung quanh.

- Khi phát hiện người bệnh nghi lao nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất là Bệnh viện đa khoa huyện, thị xã để được xét nghiệm đờm và chụp X-quang phổi chẩn đoán sớm bệnh lao.

Hoặc  đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Ninh Bình để được nội soi phế quản và nuôi cấy chẩn đoán lao nhanh bằng phương pháp MGIT-BACTEC trong các trường hợp lao khó chẩn đoán.

Bs Vũ Thị Bích Thảo – Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Ninh Bình