Loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở người có tuổi, là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng sống, gây tàn phế và làm giảm tuổi thọ cho con người. Hậu quả chính của loãng xương là gãy xương. Vì vậy, việc ngăn ngừa tình trạng này bằng canxi và vitamin D là quan trọng, song cần lưu ý:
Canxi rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh loãng xương. Canxi có nhiều trong tôm, cua, sữa... Trường hợp thức ăn không cung cấp đủ lượng canxi hàng ngày, cần bổ sung bằng thuốc. Thuốc bổ canxi có hai dạng: muối canxi (calcium citrate) và cacbonate canxi (calcium carbonate). Carbonate canxi hấp thụ tốt khi hàm lượng axít dạ dày cao, nên uống cùng với bữa ăn. Còn calcium citrate tan trong nước nên có thể uống mà không liên quan tới bữa ăn. Nên chia canxi làm hai lần uống mỗi ngày để tăng cường khả năng hấp thụ. Cùng với việc bổ sung canxi thì việc bổ sung vitamin D cũng rất quan trọng vì vitamin D rất cần thiết trong việc hấp thụ canxi từ đường tiêu hóa và đảm bảo sức khỏe của xương. Ngoài ra, để phòng, chống loãng xương, cần luyện tập thể dục đều đặn như đi bộ, tập thể dục nhịp điệu… cũng có kết quả tốt.
Cần lưu ý, việc bổ sung canxi và vitamin D cần theo sự chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng dẫn tới tình trạng thừa canxi và vitamin D sẽ gây hại. Nếu dùng vitamin D quá cao (liều dùng lớn hơn 1.000.000 đơn vị quốc tế trong vòng 7 ngày) thì có thể gây chứng thừa vitamin D với các dấu hiệu kém ăn, nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, có albumin trong nước tiểu, sỏi thận, sỏi bàng quang, tăng huyết áp... Còn bổ sung quá nhiều canxi sẽ có nguy cơ gây sỏi thận, nhất là khi dùng canxi cacbonat. Canxi citrate ít bị nguy cơ này (có thể do thuốc có khả năng hòa tan trong nước).
Ngoài ra, khi bổ sung canxi, người bệnh cần lưu ý một số tác dụng phụ có thể xảy ra như đầy hơi (khi dùng canxi cacbonat), táo bón (bệnh nhân cần được tư vấn để bắt đầu một chế độ gia tăng chất xơ và uống nhiều nước để giúp giảm thiểu táo bón).
SKĐS