Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Vi khuẩn lao gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm từ 80-85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho những người xung quanh.

Người mắc lao phổi khi ho, hắt hơi, khạc đờm bừa bãi sẽ bài tiết vi khuẩn ra môi trường xung quanh, vi trùng lao có thể rơi xuống đất hoặc lơ lửng trong không khí, khi đó người lành hít phải sẽ dẫn đến bị nhiễm bệnh lao (nhiễm lao). Có khoảng từ 5 - 10% số người bị nhiễm lao khi có các yếu tố ảnh hưởng xấu làm cho sức đề kháng của cơ thể giảm sút như: lao động quá vất vả, ăn uống thiếu thốn, sống thiếu vệ sinh - nhà cửa ẩm thấp không thông thoáng, người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em suy dinh dưỡng, người mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ khi có thai hoặc sau đẻ… có nguy cơ mắc bệnh lao.

 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2013 có khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao và 1,3 triệu người tử vong do lao. Trong khi, lao là một bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng thì Việt Nam lại đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.

 

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao.

 

Những người nghi mắc bệnh lao thường hay có một số dấu hiệu sau:

 

- Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu).

- Gầy sút cân, mệt mỏi, kém ăn.

- Sốt nhẹ về chiều.

- Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.

- Đau ngực, đôi khi khó thở.

 

Vậy, khi có những dấu hiệu trên mọi người hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và phát hiện sớm bệnh lao. Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của chương trình chống lao:

 

- Phải phối hợp các thuốc chống lao.

- Phải điều trị đúng liều.

- Phải điều trị đủ thời gian (6-8 tháng).

- Phải dùng thuốc đều đặn hàng ngày vào mỗi giờ nhất định, vào lúc đói và cách xa bữa ăn.

- Dùng thuốc theo hai giai đoạn tấn công và duy trì.

- Trong quá trình điều trị phải làm xét nghiệm đờm định kỳ vào tháng thứ 2 hoặc 3, tháng thứ 5, tháng thứ 6,7 hoặc 8 để phát hiện sớm bệnh lao kháng thuốc.

 

* Thuốc điều trị lao được cấp miễn phí trong cả quá trình điều trị.

 

Để phòng và chống bệnh lao, mọi người hãy:

 

- Động viên những người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao đi khám, xét nghiệm đờm phát hiện sớm bệnh lao, kịp thời điều trị để chữa khỏi bệnh, tránh lây bệnh cho người thân và cộng đồng.

- Tiêm vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 1 tuổi để giảm nguy cơ mắc một số bệnh lao nặng như: lao màng não, lao kê…

- Cần giữ vệ sinh nhà ở và môi trường.

- Nhà ở phải thông thoáng, không ẩm thấp.

- Bệnh nhân lao phải khạc đờm vào giấy rồi đốt đi, không khạc nhổ bừa bãi ra môi trường xung quanh, thường xuyên phơi ra nắng đồ dùng cá nhân như: chiếu, chăn, màn, quần áo…

Tác giả: Trung tâm TT GDSK