Thời gian gần đây, ở Trung Quốc và Mỹ thông báo một số ca bệnh dịch hạch và đã có người tử vong. Trước tình hình bệnh dịch từ các nước khác có thể xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch hạch có nguy cơ phát sinh tại nước ta.
Xem hình

Bệnh dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm (còn gọi là cái chết đen). Bệnh tiến triển cấp tính, lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh do trực khuẩn Yersinia Pestist gây ra lưu hành trong quần thể động vật thuộc loại gặm nhấm chủ yếu là chuột. Bọ chét ký sinh trên chuột là vật trung gian truyền bệnh sang người.

Bệnh dịch hạch xâm nhập lần đầu tiên vào Việt Nam tại Nha Trang từ năm 1898, xuất hiện tại Sài Gòn năm 1906, xuất hiện tại Đồng Nai năm 1917.

Chu kỳ dịch bệnh thông thường từ 5 – 6 năm một lần, cao điểm của dịch xảy ra từ tháng 4, tháng 5 hàng năm, đa số bệnh nhân trong vụ dịch đều là thể hạch, ít gặp thể phổi. Sau  khi dịch chuột (chuột chết) xảy ra từ 7-15 ngày thì sẽ xảy ra dịch ở người.

Các thể bệnh dịch hạch trên người

- Thể hạch là thể bệnh phổ biến nhất chiếm tỷ lệ trên 90% các thể bệnh khác.

- Thể nhiễm khuẩn huyết.

- Thể phổi (Pneumonic)đây là thể bệnh đáng sợ nhất, bệnh tiến triển nhanh, lây lan mạnh, tỷ lệ tử vong cao.

- Thể não: Thể này ít gặp thường là thứ phát sau thể hạch, thể nhiễm trùng huyết.

 

Dấu hiệu nhận biết bệnh dịch hạch

+ Thể hạch chiếm trên 90%:

- Phát bệnh đột ngột, người ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, đau đầu, buồn nôn.

- Sưng hạch: Lúc đầu đau, cứng, sau đó mềm và hóa mủ.

- Sốt cao 40- 41 độ C, biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc, mạch nhanh, HA tụt, hôn mê, bệnh nhân tử vong trong vòng 3-5 ngày sau khi mắc.

+ Thể phổi: Bệnh nhân biểu hiện có đờm loảng, bọt dính máu, khó thở, tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp, bệnh có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn.

Nguồn truyền nhiễm và phương thức lây truyền

+ Nguồn bệnh:  Loài gặm nhấm chủ yếu là chuột (chuột cống, chuột đồng, chuột nhắt, chuột chù…) là vật chủ chứa vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ở người.

+ Véc tơ truyền bệnh:  Bọ chét là véc tơ truyền bệnh từ động vật sang người

+ Cơ chế truyền bệnh:  Bọ chét sống ký sinh trên chuột hút máu của chuột mang mầm bệnh dịch hạch sau đó bọ chét đốt người và truyền mầm bệnh dịch hạch sang người qua vết đốt, bọ chét là véc tơ chính truyền bệnh dịch hạch tại Việt Nam.

Ngoài ra, bệnh dịch hạch còn có thể lây trực tiếp qua đường hô hấp thông qua hít phải vi khuẩn dịch hạch có trong không khí hoặc xâm nhập trực tiếp qua da, vết xước khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh dịch hạch.

Các biện pháp phòng chống bệnh dịch hạch

+ Biện pháp chung:

- Tuyên truyền cho người dân hiểu biết về bệnh dịch hạch: Dịch hạch là một bệnh tối cấp nguy hiểm, dịch lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh dịch hạch chủ động phòng bằng diệt chuột, bọ chét và điều trị bằng kháng sinh.

- Khi có biểu hiên nghi bị dịch hạch phải đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

- Khi phát hiện có nhiều chuột bị chết bất thường tại nhà và khu vực nơi mình sinh sống phải báo ngay cho cơ sở y tế biết để giám sát.

 

+ Tại gia đình: Quản lý tốt lương thực, thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để chuột làm ổ sinh sản trong nhà, nuôi mèo, dùng bẫy chuột, keo dính chuột để diệt chuột.

+ Nơi có yếu tố nguy cơ xảy ra dịch hạch

- Khu dân cư ổ chuột không đảm bảo vệ sinh môi trường

- Kho tàng, ga tàu, bến bãi, bãi rác…

- Tàu biển, sân bay, tàu hỏa

+ Biện pháp chủ động phòng bệnh dịch hạch ở những nơi công cộng

- Định kỳ hàng năm tổ chức diệt chuột, bọ chét 02 lần/năm bằng nhiều cách: Diệt chuột bằng đặt bẫy, keo dính, hóa chất… Diệt bọ chét bằng phun hóa chất dạng tồn lưu như Permethrin, Vectron, Diazinon…

Ở Việt Nam hiện không tiêm phòng vắc xin dịch hạch. Vì vậy, công tác phòng ngừa dịch hạch chủ yếu là đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt chuột và bọ chét. Đặc biệt khi thấy chuột chết bất thường phải được cán bộ y tế khoanh vùng giám sát mật độ chuột, bọ chét, bệnh nhân nghi bị dịch hạch và thực hiện các biện pháp, chống dịch không để dịch lây lan trong cộng đồng.

Phạm Cương