Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu, tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm.

Thông thường, dịch bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, nhưng năm nay lại xuất hiện từ đầu năm và đang gia tăng sau Tết Nguyên đán. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu, tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Theo BS Hoàng Minh Anh, Trưởng khoa Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong điều kiện thời tiết hiện nay, virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí, khiến bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, sau đó lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay. Vì bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ gây thành dịch nên bác sỹ Hoàng Anh Minh khuyến cáo, người bị bệnh này cần hạn chế tiếp xúc với người khác và nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.

Khi bị đau mắt đỏ với diễn biến nặng, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm, khám và điều trị kịp thời

Làm gì khi bị đau mắt đỏ?

“Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc chứa thành phần cóoc-ti-cô-ít. Nếu không sử dụng đúng theo chỉ định của bác sỹ nhãn khoa thì có thể gây những biến chúng có thể dẫn đến mất thị lực”- BS Hoàng Minh Anh nói

Theo đó, BS Hoàng Minh Anh hướng dẫn cách chăm sóc mắt khi bị đau mắt đỏ theo các bước dưới đây đến cộng đồng:

- Rửa mắt bằng muối sinh lý 5 – 6 lần mỗi ngày

Hãy “rửa mắt”, chứ không “nhỏ mắt” bằng muối sinh lý, tuy nhiên cần chú ý, nguyên tắc là rửa bên mắt bị đau nhẹ trước, mắt nặng sau. Khi rửa, cần dùng gạc (giấy sạch) hứng nước dưới đuôi mắt, không để nước từ mắt chảy ra dính xuống giường, đệm vì nó mang theo vi rút, dễ lây bệnh cho người khác. Rửa sạch hai mắt xong, dung gạc sạch lau khô dử mắt và hãy đi rửa tay xà phòng thật sạch, nhỏ thuốc.

“Việc rửa mắt sẽ dễ hơn nếu có người hỗ trợ. Đây là bước quan trọng nhất trong chăm sóc mắt đau mắt đỏ, giảm tiết dử, dính mắt do dử. Đại đa số bệnh nhân chỉ cần thực hiện rửa mắt mỗi ngày sau 7 – 10 ngày là khỏi mà không phải dùng thêm loại thuốc nào”- BS Minh Anh nói.

- Hãy để cho mắt nghỉ ngơi

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên nghỉ làm, nghỉ học vừa để không lây lan cho người khác, vừa để mắt nghỉ ngơi. Đối với người bị đau mắt đỏ, khi phải đi ngoài đường, nhìn lâu vào ti vi, ipad, điện thoại hoặc đọc sách… sẽ thấy mắt chói, chảy nước mắt.

- Không được xông lá trầu khi đau mắt đỏ

Đại đa số các trường hợp đau mắt đỏ chỉ cần rửa vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày là bệnh tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Nếu rửa mắt đúng cách, thường sau ngày thứ 3 – 4 ngày, mắt sẽ không còn tiết dử, đỡ chói nhưng vẫn đỏ, chảy nước mắt. Nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng mắt trầm trọng hơn bởi sự nôn nóng trong điều trị. Nghỉ học, nghỉ làm vài ba ngày là sốt ruột, nên nhiều người tìm mọi cách, kết hợp đủ đông – tây y nhưng mắt không đỡ đỏ, ngược lại trầm trọng hơn. Điển hình nhất là xông lá trầu không và tiêm kháng sinh vào mắt khiến mắt càng sung nề, khó chịu hơn.

Các bác sĩ cũng lưu ý, với đau mắt đỏ, kháng sinh không phải là quan trọng nhất, chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm, không mang tác dụng chữa bệnh đau mắt đỏ, quan trọng nhất vẫn là rửa muối sinh lý vệ sinh mắt. Vì thế, đừng quá nôn nóng, cần thời gian nhất định là 7 – 10 để loại bỏ vi-rút khỏi cơ thể. Nếu thấy diễn biến nặng lên hãy đi khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị.