Tình trạng quá tải bệnh viện (QTBV), mặc dù chưa có một định nghĩa chính xác, nhưng QTBV được xem như là một hiện tượng quá đông người bệnh đến khám hoặc điều trị tại cùng một thời điểm vượt quá khả năng đáp ứng về vật chất hay nhân lực của một bệnh viện.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo công suất sử dụng giường bệnh không nên vượt quá 85% số giường tại một bệnh viện. Tuy nhiên, tại nước ta, tình trạng quả tải bệnh viện đang diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương nằm chủ yếu trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế. Danh sách các bệnh viện quả tải trầm trọng có: Bệnh viện K (241%), Bệnh viện Bạch Mai (151%), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (152%), Bệnh viện Chợ Rẫy (151%). Đặc biệt ở một số chuyên khoa trong các bệnh viện trên như: tia xạ, ngoại, nội tiết, tim mạch, quá tải lên đến hơn 200%.

Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại nhiều bệnh viện vượt đến gấp hai lần sức đáp ứng của bệnh viện đã gây nhiều khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh cho các bác sỹ, hộ lý... và cũng là “nỗi khổ” cho người bệnh.

Với mục tiêu “hạ nhiệt” tình trạng QTBV hiện nay, Bộ Y tế đã có nhiều nghiên cứu đánh giá để từ đó đưa ra các giải pháp cả về trước mắt đến lâu dài nhằm từng bước đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng QTBV hiện nay. Theo đó Ban xây dựng Đề án chống quá tải bệnh viện của Bộ Y tế đã phác thảo năm nhóm nguyên nhân chính gây nên hiện tượng QTBV hiện nay gồm:

Một là, do nhu cầu và ý thức khám chữa bệnh của người dân. Những năm qua, do kinh tế, xã hội phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, người dân nhận thức cao hơn về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, có xu hướng lựa chọn các dịch vụ sống tốt nhất. Do đó, người bệnh và gia đình họ luôn coi trọng chuyên môn, kỹ thuật và mong mốn được điều trị tại các bệnh viện tuyến trên.

Hai là, mô hình bệnh tật thay đổi. Thời gian gần đây, tại nước ta, các dịch bệnh như dịch cúm A (H5N1), dịch tiêu chảy cấp, dịch tay chân miệng... xuất hiện nhiều, xảy ra liên tục và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cùng với đó là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như các bệnh huyết áp, tim mạch đã làm nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao.

Ba là, đầu tư cho y tế thấp. So với các quốc gia trong khu vực, chi cho y tế ở Việt Nam chỉ đạt 58,3 USD/người, thấp hơn so với các nước khác như: Thái Lan (136,5 USD/người), Malaysia (307 USD/người). Việc đầu tư cho y tế thấp,  dẫn đến cơ sơ hạ tầng y tế không đáp ứng được nhu cầu thực tế, thiếu giường bệnh; thiếu trang thiết bị; thiếu nhân lực có trình độ... là nguyên nhân thứ ba gây nên QTBV.

Bốn là, tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. Trang thiết bị ở tuyến cơ sở không đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị. Đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở nhiều nơi thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn. Bác sỹ tuyến dưới được cử đi đào tạo nâng cao trình độ, khi chuyên môn được nâng lên lại có xu hướng chuyển sang bệnh viện tuyến trên, bệnh viện tư, làm cho y tế cơ sở đã khó khăn về nhân lực lại càng thêm khó.

Năm là, xây dựng chưa đầy đủ các quy chế, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật; xây dựng chính sách và tác động không mong muốn của một số chính sách. Việc điều trị vượt tuyến dễ dàng và vẫn được BHYT thanh toán một phần viện phí làm tăng đáng kể các ca điều trị vượt tuyến không cần thiết. Ngoài ra, cơ chế phân bổ ngân sách theo đầu giường bệnh hạn chế trong việc tăng giường bệnh đặc biệt đối với các tỉnh nghèo, khó khăn...

Xác định được nhóm các nguyên nhân này sẽ giúp Bộ Y tế xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách dài hạn liên quan đến việc giảm tải bệnh viện. Đồng thời, đưa ra các giải pháp trước mắt để khắc phục QTBV, giúp cho người dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK