Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ, khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12.
Đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người, trong đó có hai giai đoạn quan trọng là 1.000 ngày đầu đời và kế tiếp là 2-12 tuổi, lứa tuổi học đường. Vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, đặc biệt là dinh dưỡng học đường cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.
Đầu tư hiệu quả cho dinh dưỡng học đường
Theo PGS, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng. Đó là suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân, béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Điều tra toàn quốc năm 2023 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,2%, tương đương cứ 100 trẻ lại có 18,2 trẻ thấp còi. Tỷ lệ này cao hơn ở vùng trung du và miền núi phía Bắc (24,8%), Tây Nguyên (25,9%). Trong khi đó, tỷ lệ béo phì, thừa cân ở nhóm 5-19 tuổi tăng gấp hơn hai lần sau 10 năm, từ 8,5% năm 2010 lên đến 19% vào năm 2020. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh, thiếu niên tuổi học đường, trong đó kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em, nhất là ở khu vực thành thị.
Đồng thời tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, với mục tiêu 60% trường học ở khu vực thành thị và 40%trường học ở khu vực nông thôn tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn theo khuyến nghị vào năm 2025, phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030.
PGS, TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết vừa thí điểm mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau gần một năm triển khai, mô hình có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ.
Đồng thời, mô hình góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả học sinh, nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Thanh Đề, mặc dù đã có sự quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng học đường nhưng Việt Nam vẫn thiếu các quy định và chính sách cụ thể tương tự như nhiều quốc gia phát triển. Điều này dẫn đến những hạn chế trong tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn học đường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh.
Để nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, Bộ Y tế cần sớm ban hành các tiêu chuẩn dinh dưỡng cụ thể. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục thực hiện quy định về dinh dưỡng học đường một cách hiệu quả. Việc tham mưu, xây dựng Luật Phòng bệnh, trong đó có những quy định rõ ràng về dinh dưỡng học đường, sẽ tạo ra khung pháp lý vững chắc, bảo đảm rằng tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận các bữa ăn an toàn, đầy đủ dinh dưỡng, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.
Không để lỡ "giai đoạn vàng"
Chia sẻ kinh nghiệm về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, GS Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản thông tin: “Chìa khóa cho việc cải thiện dinh dưỡng chính là bữa ăn học đường. Kể từ khi giáo dục dinh dưỡng trở thành một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển, Chính phủ Nhật Bản đã nhận được sự đồng thuận của người dân, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp thực phẩm có sứ mệnh đồng hành với Chính phủ thực hiện các quyết sách đúng đắn về dinh dưỡng, từng bước hình thành chế độ ăn lành mạnh cho người Nhật”. Chiến lược dinh dưỡng của Nhật Bản là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam, khi nước ta đang đứng thứ 15 từ dưới lên trên thế giới về chiều cao.
Theo GS Nakamura Teiji, từ năm 1954, Nhật Bản đã ban hành Luật Dinh dưỡng học đường và Luật về giáo dục dinh dưỡng năm 2005. Từ đó đến nay, hầu hết trường tiểu học và trung học công lập đều có bữa ăn học đường được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, đáp ứng 100% nhu cầu dinh dưỡng. Chính phủ Nhật Bản công nhận bữa ăn học đường là một phần chính thống của chương trình giáo dục. Kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố vào năm 2023, chiều cao trung bình của nam là 1,72m, nữ là 1,58m. Cách đây 50 năm, các con số này lần lượt là 1,5m và 1,49m. Hiện tại, chiều cao trung bình của người Nhật thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Những thành công của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn dinh dưỡng rõ ràng không chỉ cải thiện sức khỏe học sinh mà còn góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thế hệ tương lai.
PGS, TS Trần Thanh Dương cho rằng, các cơ quan, ban, ngành cần vào cuộc để hoàn thiện các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng, nhất là dinh dưỡng học đường. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh, tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em để không bỏ lỡ giai đoạn phát triển vàng của thế hệ trẻ Việt Nam.
Diệu Thúy (tổng hợp)