Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 ca sốt xuất huyết nội địa và 15 ca ngoại lai với 6 ổ dịch (Nho Quan: 2, Yên Khánh:1, TP Ninh Bình: 1, Gia Viễn: 1, Yên Mô: 1), trong đó có 4 ổ dịch đã kết thúc và 02 ổ dịch đang hoạt động (tại TP Ninh Bình và huyện Yên Khánh)...

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 ca sốt xuất huyết nội địa và 15 ca ngoại lai với 6 ổ dịch (Nho Quan: 2, Yên Khánh:1, TP Ninh Bình: 1, Gia Viễn: 1, Yên Mô: 1), trong đó có 4 ổ dịch đã kết thúc và 02 ổ dịch đang hoạt động (tại TP Ninh Bình và huyện Yên Khánh). Mặt khác, dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, đặc biệt mùa cao điểm của sốt xuất huyết là từ tháng 9 đến giữa tháng 11. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và lây lan mầm bệnh một cách nhanh chóng. Để chủ động trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết như sau:

          Đối với UBND các xã/phường/thị trấn tổ chức các đợt ra quân đồng loạt làm vệ sinh môi trường tại khu dân cư, hàng tuần triển khai chiến dịch diệt muỗi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để diệt lăng quăng, bọ gậy và không cho muỗi đẻ trứng. Khuyến khích người dân tự phun thuốc diệt muỗi tại gia đình, các chuồng gia súc, gia cầm, các khu vực rậm rạp. Chỉ đạo các trường học, các nhà máy, công ty trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

          Các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn vận động nhân dân chủ động, tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt muỗi diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết với thông điệp “Diệt lăng quăng bọ gậy là trách nhiệm của mọi nhà, cộng đồng chung tay để đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết” và “Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết vào các buổi giao ban cơ quan, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt Hội, đoàn thể để các Đảng viên, Đoàn viên, Hội viên đều tích cực, chủ động tham gia thực hiện và tuyên truyền về phòng chống sốt xuất huyết.

          Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông trên đài phát thanh 3 cấp kêu gọi người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, cắt đứt các mắt xích truyền bệnh như: vệ sinh môi trường loại bỏ những nơi muỗi đẻ trứng; diệt lăng quăng, bọ gậy; diệt muỗi; tránh bị muỗi đốt... Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Những người đi từ vùng có dịch về phải thông báo với y tế địa phương để được giám sát dịch chặt chẽ.

Diệu Thúy