Chiều 05/9, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai công tác Y tế phòng chống bão số 3. Đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống thương tích và tìm kiếm cứu nạn Sở Y tế; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Để chủ động ứng phó với bão và ảnh hưởng của bão số 3, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành theo dõi kịp thời diễn biến mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy phương châm “bốn tại chỗ”, đối phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Chủ động triển khai ngay các phương án phòng chống lụt bão tại địa phương và địa bàn phụ trách đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lụt, sạt lở đất. Đặc biệt các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Mô có kế hoạch sơ tán cơ sở y tế vùng trũng, thấp và vùng nguy cơ ngập úng, vùng ven biển.

Đồng thời, các đơn vị duy trì quân số cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân do mưa, lũ gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh từ Ban chỉ huy PCTT &TKCN của ngành và của địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị phòng chống bão lụt. Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho nhân dân, đặc biệt chú ý công tác vệ sinh môi trường, phòng nỗ hu trong mùa mưa bão. Có biện pháp quản lý chặt các ổ dịch cũ, kịp thời phát hiện, giám sát xử lý dịch khi có dịch bệnh xảy ra…

Ngoài việc tổ chức lực lượng PCTT&TKCN tại chỗ, các đơn vị còn phải kiện toàn, thành lập các tổ cơ động PCTT&TKCN và phòng nỗ hu . Luôn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, hoá chất để chi viện cho các đơn vị khác khi có lệnh điều động. Trong đó, kiện toàn các đội cấp cứu cơ động gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh (2 đội); Bệnh viện Sản Nhi (2 đội); các bệnh viện tuyến tỉnh còn lại, bệnh viện đa khoa các huyện, Trung tâm Cấp cứu 115 và Trung tâm Y tế hai chức năng (1 đội/đơn vị). Mỗi đội chuẩn bị kèm theo cơ số thuốc, dụng cụ y tế và phương tiện, bảo đảm các thành viên trong đội cấp cứu cơ động được tập huấn thành thạo về chuyên môn, kỹ thuật sơ cấp cứu, vận chuyển nạn nhân trong mọi tình huống và sẵn sàng triển khai thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN khi có lệnh điều động; kiện toàn các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng triển khai thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN khi có lệnh. Đối với các bệnh viện, trung tâm y tế phải có phương án di chuyển bệnh nhân, bảo vệ tài sản và chuẩn bị đủ cơ sở vật chất thiết yếu để khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu người bệnh không bị gián đoạn…

Tại hội nghị, Lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong ngành cần quán triệt và thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh; nâng cao nhận thức, phát huy ý thức tự giác, chủ động trong công tác PCTT&TKCN của cán bộ, nhân viên y tế. Nâng cao vai trò, chất lượng tham mưu của Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Sở và các đơn vị trực thuộc trong điều hành tại chỗ để ứng phó và xử lý thiên tai có hiệu quả. Rà soát, mua sắm bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, đơn giản các thủ tục hành chính nhằm kịp thời cấp cứu bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra.

Thu Trang