Như chúng ta đã biết tai biến mạch máu não là 1 trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh thường để lại những hậu quả nặng nề cùng các biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như liệt vận động nửa người, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhận thức, rối loạn ngôn ngữ...
Như chúng ta đã biết tai biến mạch máu não là 1 trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh thường để lại những hậu quả nặng nề cùng các biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như liệt vận động nửa người, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhận thức, rối loạn ngôn ngữ...
Việc tập VLTL-PHCN sớm cho người bị tai biến có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp người bệnh ngăn ngừa được các biến chứng cũng như phục hồi chức năng vận động sinh hoạt để người bệnh tái hòa nhập với cuộc sống mới.
Nội Dung
Sau đây tôi sẽ hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho người tai biến. Nguyên tắc tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng là sẽ tập lần lượt từ các khớp lớn đến khớp bé. Đối với chi trên ta sẽ tập lần lượt từ khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay rồi đến bàn ngón tay. Đối với chi dưới ta sẽ tập lần lượt từ khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân và các khớp bàn ngón chân
Một điều cần lưu ý khi tập phục hồi chức năng cho người bệnh đó là cần để ý sắc mặt của bệnh nhân để xem được mức độ đau của người bệnh từ đó có các bài tập phù hợp.
Với mỗi động tác có thể lặp lại từ 5 -10 lần
1. Bài tập chi trên
- Khớp vai :
+ Cử động gập khớp vai : Người bệnh nằm ngửa, 1 tay kỹ thuật viên cầm cổ tay người bệnh, 1 tay đỡ dưới khuỷa , từ từ đưa tay người bệnh nâng lên qua đầu đặt sát cánh tay người bệnh xuống gối, rồi từ từ hạ về áp sát thân mình
+ Cử động duỗi khớp vai : Người bệnh nằm nghiêng, 1 tay KTV cầm cổ tay người bệnh, 1 tay đặt trên vai, từ từ kéo cánh tay người bệnh ra sau lưng 1 góc 30-45° rồi đưa về vị trí cũ thẳng với thân mình
+ Cử động dang khớp vai ở tư thế nằm nghiêng: Người bệnh nằm nghiêng , 1 tay KTV đỡ cổ tay, 1 tay đỡ vùng trên cánh tay người bệnh và từ từ thực hiện dang cánh tay người bệnh lên khoảng 1 góc 90° rồi hạ về.
+ Cử động nâng hạ đai vai: Người bệnh nằm ngửa, khuỷu tay duỗi thẳng, tay nâng lên 1 góc 90°. 1 tay KTV giữ cổ tay người bệnh, 1 tay giữ dưới cánh tay, từ từ nâng tay người bệnh theo phương thẳng đứng và hạ xuống
+ Cử động dang khép khớp vai ở tư thế nằm ngửa : 1 tay KTV cố định cổ tay người bệnh, 1 tay đỡ khuỷu người bệnh, để khuỷu gập 1 góc 90° sau đó ta dang khớp vai 1 góc 90° và khép sát thân mình
+ Cử động dang áp khớp vai trong mặt phẳng nằm ngang: Tư thế ban đầu bệnh nhân để cánh tay dang 90°, khuỷu gập 90°, 1 tay KTV cầm cổ tay người bệnh, 1 tay đỡ dưới khuỷu , thực hiện áp cánh tay vào trong sao cho bàn tay bên này chạm vào vai bên kia rồi từ từ dang ra tư thế ban đầu.
+ Cử động xoay trong, xoay ngoài khớp vai : Tư thế ban đầu ta để vai dang 90°, khuỷu gập 90°, 1 tay KTV cố định cổ tay người bệnh, 1 tay đặt dưới khuỷu, từ từ hạ cổ tay xuống áp sát mặt giường để xoay trong khớp vai, sau đó hạ tiếp cổ tay theo chiều ngược lại để xoay ngoài khớp vai
- Khớp khuỷu
+ Cử động gập duỗi khuỷu tay : 1 tay KTV đỡ cổ tay người bệnh, 1 tay cố định cánh tay, thực hiện gập duỗi khuỷu tay đồng thời quay sấp quay ngửa cẳng tay
- Khớp cổ tay
+ Cử động gập duỗi cổ tay : Tư thế ban đầu: Bệnh nhân để khuỷu gập 90°, 1 tay KTV cố định dưới cổ tay người bệnh, 1 tay cầm lòng bàn tay, thực hiện gập duỗi cổ tay
+ Cử động nghiêng trụ nghiêng quay cổ tay: 1 tay KTV cố định dưới cổ tay người bệnh, 1 tay cầm lòng bàn tay và nghiêng trái nghiêng phải cổ tay
+ Cử động xoay cổ tay : tư thế cầm như trên, thực hiện xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ và ngược lại
- Khớp bàn ngón tay
+ Cử động gập duỗi ngón tay cái: 1 tay KTV cố định lòng bàn tay người bệnh, 1 tay giữ ngón cái gập vào trong, duỗi ra ngoài
+ Cử động gập duỗi các ngón tay : 1 tay KTV cố định lòng bàn tay, 1 tay đặt sau các ngón và thực hiện nắm bàn tay người bệnh rồi lại duỗi ra
+ Cử động đối ngón tay : 1 tay KTV cầm ngón cái người bệnh sau đó áp đầu ngón tay cái chạm vào đầu các ngón tay còn lại
2. Bài tập chi dưới
- Khớp háng :
+ Cử động gập khớp háng với chân duỗi thẳng, 1 tay KTV đỡ dưới cổ chân, 1 tay đỡ dưới đùi và nâng chân người bệnh lên 1 góc khoảng 90° rồi hạ về
+ Cử động gập khớp háng kết hợp gập duỗi gối : 1 tay KTV đỡ dưới cổ chân người bệnh, 1 tay đỡ dưới vùng kheo, khi thực hiện gập háng và gập gối tay chuyển từ vị trí dưới kheo lên phía trước gối và ấn vùng đùi áp sát về phía bụng, khi chân người bệnh duỗi ra lại chuyển tay về đỡ vùng dưới kheo.
+ Cử động dang áp khớp háng
• Với tư thế gối duỗi thẳng : 1 tay KTV đỡ dưới cổ chân người bệnh, 1 tay đỡ dưới vùng đùi, thực hiện dang chân người bệnh ra rồi khép lại vị trí ban đầu
• Với tư thế gối gập : Chân người bệnh co lên, gối gập lại, 1 tay KTV cố định cổ chân, 1 tay giữ gối hạ gối xuống theo hướng vào trong, ra ngoài để dang áp khớp háng
+ Cử động xoay trong xoay ngoài khớp háng
• Với tư thế chân duỗi thẳng : 1 tay KTV cầm cổ chân người bệnh, 1 tay đặt vùng trên đùi và thực hiện xoay khớp háng vào trong, ra ngoài
• Với tư thế háng gập 90°, gối gập 90° : 1 tay KTV đỡ cổ chân người bệnh, 1 tay giữ gối, thực hiện đưa cổ chân vào trong để xoay ngoài khớp háng, đưa cổ chân ra ngoài để xoay trong khớp háng
- Khớp gối :
+ Cử động gập duỗi khớp gối: Chân người bệnh nâng thẳng lên khoảng 90°, 1 tay KTV đỡ dưới cổ chân, 1 cố định vùng đùi, thực hiện gập duỗi khớp gối. Ngoài ra có thể cho chân người bệnh thả lỏng thõng ra ngoài thành giường , 1 tay KTV cố định vùng trên đùi, 1 tay thực hiện gập duỗi khớp gối
- Khớp cổ chân
+ Cử động gập cổ chân : Kê 1 chiếc gối dưới cổ chân, 1 tay KTV giữ trên cổ chân, 1 tay giữ lòng bàn chân, thực hiện gập cổ chân vuông góc và duỗi ra
+ Cử động nghiêng cổ chân : tư thế như trên, 1 tay KTV cầm lòng bàn chân người bệnh, thực hiện nghêng cổ chân sang trái, sang phải
+ Cử động xoay cổ chân : tay KTV cầm vùng bàn chân người bệnh để xoay cổ chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại
+ Cử động gập duỗi ngón chân: 1 tay KTV cố định bàn chân người bệnh, 1 tay ấn gập các ngón chân và duỗi ra
+ 1 lưu ý với người tai biến đó là người bệnh thường bị co rút gân Asin, vì vậy chúng ta cần thực hiện thêm động tác kéo giãn gân Asin bằng cách: 1 tay KTV đỡ dưới gót chân người bệnh, 1 tay ấn thẳng gối, dùng lực ở cẳng tay KTV ấn cổ chân vuông góc và giữ lại từ 15 đến 20s
3. Bài tập mạnh cơ thân mình
- Tập mạnh cơ lưng : Người bệnh nằm ngửa, chống 2 chân lên, đặt 2 tay lên bụng và thực hiện nâng mông lên cao đồng thời giữ lại 10-20s rồi hạ xuống sau đó lặp lại động tác
- Tập mạnh cơ bụng : Người bệnh nằm ngửa, chống 2 chân lên, tay yếu đan vào tay lành, thực hiện gập bụng và gập cổ lên phía trước
Phần kết
Như vậy là trên đây tôi đã hướng dẫn các bài tập cơ bản cho người tai biến. Với mỗi bài tập sẽ kéo dài 15 đến 20 phút và được chia làm nhiều lần trong ngày
Sau đây tôi sẽ hướng dẫn người bệnh tự tập luyện với dụng cụ trợ giúp mà cụ thể là tập với máy đạp xe
Bệnh nhân ngồi trên ghế, cố định 2 bàn chân vào bàn đạp của máy, điều chỉnh tốc độ đạp phù hợp , điều chỉnh thời gian và bắt đầu cho người bệnh đạp xe
Thời gian mỗi lần đạp xe sẽ tùy thuộc vào thể trạng người bệnh. Thông thường có thể từ 30 đến 40 phút
Tôi đã vừa hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng cho người tai biến kết hợp người bệnh tự tập với máy tập trợ giúp. Ngoài ra để phục hồi tốt nhất cho người bệnh ta cần hướng dẫn người bệnh tập luyện các vận động tinh, vận động thô của bàn ngón tay, hướng dẫn thực hiện các chức năng sinh hoạt hàng ngày như cầm nắm đồ vật, mặc áo, mặc quần, cầm thìa, cầm bát...Vì thời lượng chương trình có hạn, những bài tập này sẽ được chúng tôi hướng dẫn trong số tới.
Nguyễn Minh