Người có triệu chứng nào thì được coi là ca nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, phải giám sát, xét nghiệm?
Theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ là người có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai). Người bệnh có một hoặc nhiều triệu chứng như:
- Đau đầu
- Sốt (trên 38,5⁰C).
- Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết).
- Đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể.
- Mệt mỏi.
Ngoài ra, người bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như:
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, người bệnh có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, người bệnh có quan hệ với nhiều bạn tình.
Theo đó, thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6- 13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5- 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng giống như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Diệu Thúy