Bệnh tay - chân - miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm do virus gây bệnh đường ruột Coxsackievirus và Enterovirus 71(EV71) gây ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp người chăm sóc trẻ biết cách chăm và phòng ngừa trẻ mắc bệnh TCM.

Bệnh TCM xảy ra quanh năm, tăng cao vào tháng 2 - 4 và tháng 9 - 12 hàng năm, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.

Virus gây bệnh TCM lây qua đường tiếp xúc. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân hoặc chất nôn của trẻ bị bệnh.

Triệu chứng bệnh TCM điển hình

Thời kỳ ủ bệnh từ 3-7 ngày.

Thời kỳ khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, quấy khóc, đau họng, biếng ăn, đi ngoài phân lỏng vài lần/ngày.

Thời kỳ toàn phát từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như sau:

Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi khiến trẻ bị đau miệng, bỏ bú, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt, chảy dãi nhiều.

Phỏng nước: Các nốt phỏng xuất hiện ở trên da các khu vực như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Vết phỏng nước tồn tại trong khoảng 7 ngày sau đó để lại vết thâm.

Thời kỳ lui bệnh kéo dài từ 3-5 ngày, sau đó trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Hướng dẫn phòng và chăm sóc trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng

 

 

Dấu hiệu bệnh tay - chân - miệng ở trẻ.

Biến chứng bệnh TCM

Cần đề phòng các biến chứng của bệnh TCM:

Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm màng não.

Biến chứng tim mạch hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.

Hướng dẫn phòng và chăm sóc trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng

 

 

Cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ bị bệnh.

Hướng dẫn chăm sóc khi trẻ mắc TCM

Thực hiện cách ly theo đường tiếp xúc, hạn chế cho trẻ ra ngoài để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

Phối hợp dùng thuốc kháng sinh và/hoặc thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ.

Vệ sinh miệng và bôi thuốc vùng miệng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ (thường vệ sinh trước khi cho trẻ ăn 30 phút).

Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu: cháo, sữa; chia nhỏ bữa.

Giữ vệ sinh da sạch sẽ, dùng xanh - methylen để chấm lên các nốt phỏng nước.

Mặc quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm.

Theo dõi tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời: Mạch nhanh, run chi, đi không vững (nếu trẻ đã biết đi); Giật mình nhiều hơn 2 lần trong vòng 30 phút.

Khi trẻ bị tay - chân - miệng có những triệu chứng bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Tác giả: Diệu Thúy (Nguồn Báo sức khỏe đời sống)