Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện Việt Nam đã có một số đơn vị sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin của một số tổ chức, một số công ty nước ngoài.
Theo đó, từ tháng 7 tới Công ty Vabiotech sẽ đóng ống, đóng gói vắc-xin Sputnik kết hợp chuyển giao công nghệ của Nga với công suất trước mắt khoảng 5 triệu liều/tháng. Vabiotech cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty ANZ của Nhật Bản.
“Đây là công ty đã thành công pha 2 với công nghệ hiện đại ADN. Sắp tới chúng tôi bàn với ANZ Nhật Bản và Vabiotech dự kiến sẽ khởi động pha 3 vào tháng 7 tới tại Việt Nam kết hợp với chuyển giao công nghệ. Nếu thuận lợi, chúng ta có thể thành công pha 3 trong 3-5 tháng. Như vậy, đây sẽ là vắc-xin đầu tiên được chuyển giao thành công tại Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin.
Ngoài ra, Việt Nam đang bàn với Cuba về việc chuyển giao công nghệ, hợp tác cũng như nghiên cứu pha 3 với vắc-xin của Cuba. Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang bàn bước đầu với Việt Nam về chuyển giao công nghệ. “Đặc biệt, có một tập đoàn lớn đã được Chính phủ giao để nhận chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ. Tập đoàn này đang khẩn trương tiếp nhận, song song với việc xây dựng nhà máy kết hợp với họ thử nghiệm lâm sàng pha 3. Chúng tôi hy vọng cuối năm 2021, đầu năm 2022 có thể đưa sản phẩm vắc-xin vào thực tế”, lãnh đạo Bộ Y tế nói.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các công nghệ mới của nước ngoài, Việt Nam chưa làm quen nên chắc chắn phải mất một thời gian trong quá trình triển khai. Phải mất tối thiểu 5-6 tháng để xây dựng nhà xưởng cùng trang thiết bị. “Các nhà nghiên cứu về vắc-xin ở Việt Nam cũng đang thiếu. Tuy nhiên những tồn tại này sẽ sớm được khắc phục trong thời gian sớm nhất”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.
Một người có thể tiêm 2 loại vắc-xin
Về việc một người tiêm 2 mũi vắc-xin của 2 loại khác nhau có ảnh hưởng đến cơ thể, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: “Một số nước ở châu Âu và Mỹ đã nghiên cứu cho thấy có thể dùng 2 loại vắc-xin ở 2 thời điểm tiêm khác nhau. Ví dụ trước mắt có thể dùng vắc-xin AstraZeneca, sau có thể dùng Pfizer và một số vắc-xin khác.
Qua nghiên cứu, tiêm vắc-xin khác hãng, khác dòng thì hiệu quả miễn dịch cao hơn. Số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy, nếu tiêm mũi 1 là AstraZeneca, mũi 2 là Pfizer thì đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại”.
Đề nghị AstraZeneca chuyển cho Việt Nam 10 triệu liều vắc-xin
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có cuộc làm việc với Tập đoàn AstraZeneca do ông Nitin Kapoor - Chủ tịch AstraZeneca tại các thị trường châu Á, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam - làm trưởng đoàn, để thúc đẩy đưa vắc-xin phòng chống COVID-19 về Việt Nam nhiều nhất, sớm nhất có thể. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Công ty AstraZeneca quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Việt Nam có được ít nhất 10 triệu liều vắc-xin phòng chống COVID-19 từ nay đến đầu tháng 8/2021. Thủ tướng cũng đề nghị phía AstraZeneca phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy, giúp đỡ có hiệu quả việc sản xuất vắc-xin trong nước và giảm giá bán cho Việt Nam.
Lê Lành (Theo T5G)