Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 15-11-2020, mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá chi tiết hơn và có nhiều thay đổi theo chiều hướng tăng nặng.

Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (Nghị định 117) có một số điểm mới như rà soát lại các hành vi vi phạm để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế đã được ban hành mới trong thời gian qua. Trong đó có tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe (nhất là các quy định liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế…). Nghị định 117 bổ sung một số hành vi vi phạm mới trong các lĩnh vực như: hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia, dược, trang thiết bị y tế…; bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh như lực lượng công an, cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để tránh tình trạng các cơ quan không có chuyên môn về y tế có thể thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các cơ sở y tế có hoạt động chuyên môn. Nghị định đã liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể. Nghị định quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia...

Liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm thuốc lá hiện nay đang có trong rất nhiều quy định của nhiều văn bản khác nhau, nhiều luật khác nhau. Đối với Nghị định 117, nội dung các xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá quy định tại năm điều (từ Điều 25 đến Điều 29). Về xử phạt vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá, trước đây chỉ xử phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng thì hiện nay tăng lên từ 200 đến 500 nghìn đồng. Tại địa điểm cấm hút thuốc mà không có biểu trưng hoặc biển “cấm hút thuốc lá”, cơ quan chức năng nếu phát hiện sẽ xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng được nêu cụ thể: Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá; phạt từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử phạt theo lĩnh vực y tế...

Một trong những điểm đáng chú ý khác của Nghị định 117 là đưa mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá. Tại Điều 29 quy định: phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với các hành vi: vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá…

 Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 117 và chuyển đến các sở y tế các tỉnh, thành phố để thống nhất trong triển khai thực hiện; đồng thời sẽ tổ chức các hội thảo, tập huấn để giới thiệu các nội dung chính của Nghị định 117 đến các đơn vị, tổ chức liên quan... 

Kim Thoa