Tình trạng tăng huyết áp kéo dài sẽ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận…
Bác sĩ Vũ Thị Lệ - Viện Điều trị cán bộ cao cấp Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tăng huyết áp là tình trạng máu tạo áp lực lên thành mạch máu lớn hơn bình thường, mức huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg, nếu trên mức này sẽ được chẩn đoán tăng huyết áp.
Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng thuốc hỗ trợ điều hoà huyết áp theo chỉ định, bác sĩ Vũ Thị Lệ khuyến cáo người bệnh có thể thay đổi một số thói quen sinh hoạt để hạ huyết áp như sau:
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách hạ huyết áp không dùng thuốc được các chuyên gia đánh giá cao. Việc hoạt động thể chất đều đặn với cường độ phù hợp sẽ giúp hạ huyết áp xuống mức an toàn hơn.Nghiên cứu đã chứng minh hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm 5-8 mmHg huyết áp.
Một số môn thể thao mà người bị cao huyết áp có thể lựa chọn như: Đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, nhảy dây, tập yoga, thiền định… để kiểm soát huyết áp và giảm căng thẳng. Tập luyện ở cường độ vừa phải, điều này giúp không gây áp lực lên tim và mang lại lợi ích bền vững cho hệ tuần hoàn.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) bao gồm:
- Ăn trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên nhất có thể.
- Ăn các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt nạc, cá và các loại hạt khi có thể.
- Hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa, chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn, các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo và thịt mỡ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, chế độ ăn DASH có thể làm giảm huyết áp lên đến 11 mmHg ở những người bị tăng huyết áp. Nguyên tắc cơ bản của DASH là tăng cường hấp thu kali, canxi, magiê và chất xơ trong khẩu phần ăn - những dưỡng chất giúp hạ huyết áp tự nhiên.
Hạn chế muối
Giảm lượng muối (natri) nạp vào cơ thể có thể rất quan trọng để hạ huyết áp. Ở một số người, ăn quá nhiều muối khiến cơ thể giữ nước, điều này dẫn đến huyết áp tăng đột ngột. Cắt giảm muối có thể giúp giảm huyết áp từ 5-6 mmHg.
Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo bạn nên hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể ở mức giữa 1.500 mg và 2.300 mg mỗi ngày, tức từ nửa thìa đến 1 thìa muối mỗi ngày.
Trong đó, thực phẩm chế biến sẵn cũng có xu hướng chứa nhiều muối, hãy luôn kiểm tra nhãn thực phẩm và chọn các loại thực phẩm thay thế ít muối khi có thể. Hãy sử dụng các gia vị như: thảo mộc, chanh, tỏi để tăng hương vị cho món ăn mà không cần thêm muối.
Duy trì cân nặng vừa phải
Cân nặng và huyết áp đi đôi với nhau, mỗi kg thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao. Giảm cân, dù chỉ một chút, có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với huyết áp. Giảm khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể có thể giúp giảm huyết áp từ 5-10 mmHg.
Ngoài việc đạt được và duy trì cân nặng vừa phải, việc theo dõi vòng eo cũng rất quan trọng để kiểm soát huyết áp. Lượng mỡ thừa quanh eo, được gọi là mỡ nội tạng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch bao gồm cả huyết áp cao. Nguy cơ tăng huyết áp nếu số đo vòng eo > 40 inch (102 cm) ở nam giới, > 35 inch (89 cm) ở nữ giới.
Kết hợp chế độ ăn khoa học và tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng lành mạnh, đặc biệt nên tập trung vào giảm mỡ bụng - khu vực có mối liên hệ chặt chẽ với huyết áp. Hãy nhớ rằng giảm cân an toàn và duy trì cân nặng không phải là điều dễ dàng, cần cân nhắc trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác về những cách tốt nhất để duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
Ngưng hút thuốc lá
Mỗi điếu thuốc mọi người hút sẽ làm tăng huyết áp tạm thời trong vài phút sau khi hút xong, nếu hút thuốc thường xuyên, huyết áp có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Ngay cả khói thuốc lá cũng có thể khiến nguy cơ tăng cao bệnh huyết áp cao và bệnh tim.
Nếu bỏ thuốc, chỉ số huyết áp có thể giảm xuống mức ổn định hơn. Trong vòng 1 năm sau khi ngừng hút, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch giảm rõ rệt. Đồng thời, sử dụng các biện pháp hỗ trợ bỏ thuốc như liệu pháp thay thế nicotine (kẹo, miếng dán) hoặc tư vấn từ chuyên gia y tế để dễ dàng vượt qua cơn thèm thuốc.
Hạn chế rượu
Mặc dù một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống rượu vừa phải có thể mang lại một số lợi ích cho tim mạch, nhưng uống nhiều rượu bia lại là một trong những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp.
Do đó, hạn chế rượu có thể giúp giảm huyết áp từ 4-5 mmHg. Chỉ nên uống không quá 1 ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới. Một ly đồ uống tương đương 44ml (một ly) rượu mạnh như rượu vodka, rượu whisky hoặc rượu chưng cất 80 độ.
Tránh căng thẳng
Căng thẳng lâu dài có thể khiến huyết áp tăng đột ngột và kéo dài. Vì vậy, việc tìm cách quản lý và giảm stress trong cuộc sống hàng ngày là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Các phương pháp giảm stress như thiền, yoga, hít thở sâu có thể giúp giảm huyết áp từ 5-7 mmHg. Tạo thói quen dành thời gian thư giãn mỗi ngày, tìm đến các hoạt động giúp cân bằng tâm trí như đọc sách, nghe nhạc hoặc đơn giản dành thời gian với gia đình và bạn bè.
Diệu Thúy (Tổng hợp)