Người nghiện chích ma túy được phát bơm kim tiêm sạch và sau khi sử dụng thì được đổi đồ mới. Đây là biện pháp hiệu quả làm giảm khả năng lây lan HIV do dùng chung bơm kim tiêm cũng như các bệnh truyền nhiễm qua đường máu nguy hiểm.

Theo báo cáo, lũy tích số người nhiễm HIV là 4.047 người, trong đó: số người nhiễm HIV còn sống là 1.775 người, số người chuyển sang giai đoạn AIDS là 1.182 người, số trường hợp tử vong do AIDS là 1.090 người.Tỷ lệ người nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm người nghiện chích ma túy.

Chương trình can thiệp giảm giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV bắt đầu được triển khai tại tỉnh Ninh Bình từ năm 2009 và hiện nay tập trung triển khai ở 6 huyện, thành phố là điểm nóng về ma túy, mại dâm và HIV/AIDS trên địa bàn. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại gồm cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm HIV cho người có nguy cơ cao, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone…

Để thực hiện có hiệu quả, chương trình đã duy trì mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng, tuyển chọn các tuyên truyền viên đồng đẳng nhóm nghiện chích ma túy và nhóm gái mại dâm để thực hiện các hoạt động tiếp cận, tư vấn và cấp phát bơm kim tiêm sạch, sau khi sử dụng tiếp tục được đổi bơm kim tiêm mới, 7-10 ngày/lần.Địa điểm trao đổi là cơ sở y tế, các đồng đẳng viên, cộng tác viên của chương trình, các địa điểm cố định... Ngoài ra, người nghiện cũng có thể thu gom bơm kim tiêm rơi vãi nơi vỉa hè góc phố để đổi lấy đồ mới, cứ 3 cái cũ đổi 1 cái mới. Số bơm kim tiêm này được tập trung để tiêu hủy. Theo số liệu báo cáo từ tháng 01 năm 2019 đến nay, khoa phòng, chống HIV/AIDS, trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiếp cận, tư vấn, truyền thông, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho trên 100 gái mại dâm, người nghiện chích ma túy và đối tượng nguy cơ cao, thu gom 70% lượng bơm kim tiêm bẩn để tiêu hủy. Qua đó, đã góp phần làm giảm tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm trong nhóm người nghiện chích ma túy, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy.

Chị Nguyễn Thị B chuyên trách huyện Hoa Lư cho biết:“Lúc đầu cũng có nhiều khó khăn do người nghiện chích không công khai, vị trí để trao đổi bơm kim tiêm sạch cũng không được người dân ủng hộ, cho rằng như vậy là “nối giáo cho giặc". Nhưng chúng tôi đã kiên tuyên truyền, tư vấn để người dân hiểu việc trao đổi bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy vừa làm giảm khả năng lây lan HIV, cũng như các bệnh truyền nhiễm qua đường máu nguy hiểm khác, nhưng không tăng số người, thời gian sử dụng ma túy. Do vậy đã dần thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng về chương trình đến nay người đan đã hiểu và tích cực giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”

Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình đã triển khai và duy trì các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại TTKSBT tỉnh và Trung tâm Y tế, bệnh viện Đa khoa các huyện/ thành phố để tư vấn và xét nghiệm HIV thường xuyên cho những đối tượng nguy cơ cao như: người nghiện chích ma túy, gái mại dâm, MSM… tập trung củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên và đồng đẳng viên tại các nơi trọng điểm. Tổ chức các lớp tập huấn cho đồng đẳng viên, nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam qua hệ tình dục đồng giới trên địa bàn quản lý.

Chia sẻ về hiệu quả trong quá trình hoạt động, bác sĩ NgôThị Hồng – Phó Khoa Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Việc triển khai khai các hoạt động can thiệp khá hiệu quả, không những làm giảm tỷ lệ dùng chung bơm kim tiêm mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người sử dụng ma túyTừ đó góp phần giảm nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng, và phòng tránh các bệnh lây qua đường máu khác như viêm gan B, viêm gan C…”

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn vì cho đến thời điểm này, khái niệm về can thiệp giảm tác hại vẫn còn mới với rất nhiều người dân, dẫn đến sự hiểu biết không đầy đủ, thẩm chí chưa đúng về mục đích của chương trình. Đây là một rào cản lớn cho chương trình can thiệp giảm tác hại, nhất là đối với chương trình trao đổi bơm kim tiêm, Bao cao su. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy và người bán dâm, người nhiễm HIV/AIDS, người tái hòa nhập cộng đồng đã làm cho hoạt động triển khai can thiệp giảm tác hại gặp nhiều khó khăn. Việc phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại chưa thật sự mạnh mẽ, sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, nhất là tuyến tỉnh, huyện, xã… Công tác quản lý và thống kê số liệu người nghiện ma túy, gái mại dâm, MSM trên nhiều địa bàn còn thấp hơn nhiều so với số thực tế. Chế độ, chính sách dành cho các tuyên truyền viên đồng đẳng và cộng tác viên trực tiếp tham gia chương trình còn hạn chế.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng và quản lý mạng lưới các nhóm tự lực của người nhiễm HIV, các cộng tác viên và tuyên truyền viên đồng đẳng viên đẩy mạnh hơn nữa chương trình trao đổi bơm kim tiêm và phát bao cao su; duy trì mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện trên toàn tỉnh.

Phòng, chống HIV/AIDS không phải là nhiệm vụ của riêng một cá nhân, tổ chức, mà đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, xã hội. Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS. Các địa phương cần tạo điều kiện cho người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy, chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội như những người bình thường khác và các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, từ đó nâng cao nhận thức, phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng, tăng hiệu quả của chương trình can thiệp giảm tác hại.

 

Tác giả: Thu Trang