Địa chỉ: Số 26 Đường Lý Tự Trọng - Phường Phúc Thành - TP. Ninh BìnhĐiện thoại: 0303.872.032 Fax: 0303.874.380Email: [email protected]
I. Quá trình thành lập Trung tâm
- Tháng 4/1992 sau khi tách tỉnh Hà Nam Ninh, thành lập Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình;
- Tháng 10/2006 đến nay đổi tên thành Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Ninh Bình.
II. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo
Phó Giám đốc: BSCKI. Phan Thị Nụ
Điện thoại: 0915.666.775
2. Công chức, viên chức và người lao động
Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản hiện có 24 biên chế, trong đó: 05 bác sỹ, 06 y sĩ, 03 dược sĩ trung học, 02 điều dưỡng trung học, 01 hộ sinh trung cấp, 02 kế toán viên, 02 cử nhân y tế công cộng, 01 hộ lý, 01 văn thư, 01 lái xe.
Mạng lưới cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS toàn tỉnh: 639 người, trong đó:
- Bác sĩ: 212 người (01 BSCKII, 19 Thạc sĩ, 40 BSCKI);
- Cử nhân Y tế công cộng: 03 người;
- Nữ hộ sinh, Y sỹ sản nhi: 250 người;
- Y sĩ đa khoa, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, hộ lý: 174 người.
3. Các khoa, phòng chuyên môn
- Phòng Kế hoạch - Tài chính;
- Phòng Tổ chức - Hành chính;
- Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình;
- Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và Nam học;
- Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng;
- Khoa Dược - Cận lâm sàng.
4. Cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị tuyến xã
- 100% số xã có đỡ đẻ, có góc hồ sơ sơ sinh trong phòng đẻ;
- 100% số xã có Oxytocin trong phòng đẻ;
- Số xã có ít nhất 02 công cụ quản lý thai: 145, đạt tỷ lệ 100%;
- Số xã có tài liệu TT để phát cho khách hàng: 145, đạt tỷ lệ 100%;
- Số xã có phòng, góc tư vấn: 145, đạt tỷ lệ 100%;
- Số xã có Nữ hộ sinh hoặc Y sỹ sản nhi: 145, đạt tỷ lệ 100%;
- Số xã có Bác sĩ: 98, đạt tỷ lệ 67,6%.
III. Chức năng, nhiệm vụ
1. Chức năng
Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế về công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản của tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khoẻ sinh sản trên địa bàn tỉnh.
2. Nhiệm vụ
2.1. Xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khoẻ sinh sản trên cơ sở chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản của Bộ Y tế và tình hình thực tế của tỉnh trình Giám đốc Sở Y tế phê duyệt.
2.2. Thực hiện các hoạt động sau:
a) Triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật và tư vấn về: Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, sức khoẻ bà mẹ; chăm sóc sức khoẻ sinh sản người cao tuổi; kế hoạch hoá gia đình; phá thai an toàn; phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền theo đường tình dục; chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và nam học; dự phòng điều trị vô sinh, dự phòng điều trị sớm ung thư đường sinh sản; chăm sóc sức khoẻ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động thuộc các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh;
c) Phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản;
d) Tham gia đào tạo và đào tạo lại chuyên môn, kỹ thuật về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản theo kế hoạch của tỉnh và Trung ương cho cán bộ chuyên khoa và các cán bộ khác;
đ) Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản;
e) Quản lý và triển khai tổ chức thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia và các dự án khác thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản được Giám đốc Sở Y tế phân công;
g) Tổ chức triển khai thực hiện các dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản theo quy định của pháp luật; căn cứ vào điều kiện, năng lực và nhu cầu thực tế ở địa phương, Giám đốc Sở Y tế quy định theo thẩm quyền việc khám, điều trị, theo dõi và thực hiện những xét nghiệm cận lâm sàng đối với các trường hợp có liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại Trung tâm theo quy định của pháp luật;
h) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách;
i) Thực hiện quản lý cán bộ, chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật;
k) Thực hiện các chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật;
l) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Y tế giao.
IV. Công tác nghiên cứu khoa học của Trung tâm từ năm 2000 đến nay
- Những thay đổi xung quanh tuổi mãn kinh năm 2000;
- Chế độ dinh dưỡng liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em từ 0-24 tháng tuổi tại Ninh Bình năm 2001;
- Đánh giá tỷ lệ nạo hút thai tại tỉnh Ninh Bình trong 03 năm 2001-2003;
- Tình trạng suy dinh dưỡng của các bà mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi năm 2002;
- Hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc cấy tránh thai Implanon tại huyện Yên Khánh và huyện Hoa Lư trong 03 năm 2003-2005;
- Đánh giá và phân lập bệnh viêm nhiễm đường sinh dục thông qua những phụ nữ vào khám và điều trị tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - KHHGĐ tỉnh trong 03 năm 2004-2006;
- Đánh giá tình hình thực hiện công tác khống chế nhiễm khuẩn trong dịch vụ CSSKSS tại trạm y tế xã tỉnh Ninh Bình năm 2006;
- Thực trạng công tác quản lý thai tại trạm y tế xã, phường, thị trấn tỉnh Ninh Bình năm 2011;
- Đánh giá kết quả và sự chấp nhận của khách hàng đối với phá thai bằng thuốc tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Ninh Bình trong 02 năm 2012-2013.
V. Các thành tích nổi bật
- Giai đoạn 2000-2005:
+ Bằng khen Bộ Y tế các năm: 2000, 2001, 2002, 2003, 2004;
+ Bằng khen của UBND tỉnh năm 2002.
- Giai đoạn 2005-2010:
+ Bằng khen Bộ Y tế năm 2006;
+ Cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2007;
+ Tập thể lao động xuất sắc năm 2009;
+ Bằng khen của UBND tỉnh các năm: 2005, 2008, 2009.
- Giai đoạn 2010-2014:
+ Bằng khen Bộ Y tế năm 2010, 2013.
VI. Những kỹ thuật mới được triển khai tại Trung tâm từ năm 2000 đến nay
1. Siêu âm màu 4D;
2. Siêu âm 2D;
3. Xét nghiệm huyết học;
4. Xét nghiệm sinh hóa máu;
5. Xét nghiệm tinh dịch;
6. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung - âm đạo;
7. Đo mật độ xương bằng máy siêu âm;
8. Đốt cổ tử cung bằng máy Laser;
9. Soi cổ tử cung.
VII. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch toàn tỉnh
Năm 2013:
Thực hiện mục tiêu giảm tai biến sản khoa và tử vong mẹ, nâng cao chất lượng khám - điều trị phụ khoa, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, tăng số người áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân và tỷ lệ tử vong sơ sinh, các chương trình làm mẹ an toàn, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và nam giới, phá thai an toàn, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản được kết hợp đồng bộ. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, tìm giải pháp cụ thể và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế triển khai việc cung cấp các dịch vụ an toàn, tiện lợi. Cung cấp kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao và phương tiện tránh thai, tăng cường công tác truyền thông tư vấn, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác sản phụ khoa.
Kết quả:
- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai: 99,8%;
- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần trở lên trong 3 thời kỳ: 94%;
- Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế: 100%;
- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc: 100%;
- Tỷ lệ phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh: 100%;
- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được tiêm phòng uốn ván đủ liều trước sinh: 99,9%;
- Tử vong mẹ: 01 ca;
- Tử vong sơ sinh giảm so với năm 2012 (năm 2012: 62 ca, năm 2013: 61 ca);
- Tỷ số phá thai: 9,5% (giảm 0,1% so với năm 2012);
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh < 2500g: 2,5% (giảm 0,1% so với năm 2012);
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi: 14,5% (đạt so với kế hoạch);
- Tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi SDD được theo dõi biểu đồ tăng trưởng: 100%;
- Tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi được theo dõi tăng trưởng hàng tháng: 99,9%.
9 tháng năm 2014:
- Trung tâm duy trì cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản;
- Duy trì hoạt động của 4 câu lạc bộ và 2 điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe VTN/TN.
* Kết quả tại 2 điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSSVTN/TN:
+ Khám, tư vấn sức khỏe sinh sản: 388 người;
+ Khám phụ khoa: 243 người;
+ Điều trị phụ khoa: 112 người;
+ Áp dụng biện pháp tránh thai: 69 người;
+ Khám thai: 69 người;
+ Phá thai: 57 người;
* Kết quả sinh hoạt tại 4 câu lạc bộ VTN/TN: 3.210 người tham dự.
- Phối hợp với Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế 8 huyện, thị xã, thành phố triển khai “Ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6”, “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển 1-7/8”, triển khai các hoạt động chăm sóc SKSS với các nội dung: phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản; các biện pháp tránh thai; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; cân trẻ dưới 2 tuổi hàng tháng; theo dõi sự phát triển của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng; cấp: sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng nặng, sổ theo dõi tình trạng dinh dưỡng trẻ em, sổ theo dõi và quản lý phụ nữ mang thai, truyền thông, tư vấn dinh dưỡng.
Kết quả:
+ Số trẻ em < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng được cấp sản phẩm dinh dưỡng: 75 trẻ;
+ Cấp sổ theo dõi tình trạng dinh dưỡng trẻ em, sổ theo dõi và quản lý phụ nữ mang thai: 1.500 quyển;
+ Số buổi truyền thông PCSDDTE: 586 buổi, với 15.379 người tham dự;
+ Số lượt phát bài truyền thông dinh dưỡng trên đài truyền thanh ba cấp: 2.082 lượt;
+ Số băng zôn, khẩu hiệu: 325 chiếc.
- Tổ chức tập huấn 08 lớp, 189 học viên với nội dung cập nhật, nâng cao kiến thức: phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cho cán bộ khoa chăm sóc SKSS 8 huyện, thị xã, thành phố và chuyên trách dinh dưỡng; Hồi sức cấp cứu trong sản khoa cho cán bộ trạm y tế của huyện Nho Quan.
- Kết hợp với Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn giám sát tình trạng đẻ tại nhà ở 02 trạm y tế xã Gia Tiến và Gia Thắng.
- Thẩm định các trường hợp tử vong mẹ.
- Triển khai đơn nguyên sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn: bổ sung trang thiết bị; đào tạo kíp cán bộ cho đơn nguyên sơ sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi.
- Giám sát: công tác chăm sóc SKSS, "Ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6" các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
VIII. Phương hướng hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới
Trung tâm chăm sóc SKSS luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư và chỉ đạo trực tiếp của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Viện dinh dưỡng, Sở Y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan và các đơn vị Y tế các huyện, thị xã, thành phố cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS từ tỉnh tới cơ sở, chương trình chăm sóc SKSS tỉnh Ninh Bình đã đạt được kết quả tốt, hầu hết các chỉ tiêu chăm sóc SKSS đều hoàn thành.
Nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi góp phần thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ và chiến lược Dân số - SKSS giai đoạn 2011- 2020. Trung tâm đề ra phương hướng cụ thể như sau:
- Tăng cường truyền thông, tư vấn: làm mẹ an toàn; KHHGĐ; dự phòng lây truyền NKĐSS; phòng chống SDDTE;
- Duy trì và phát triển các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ;
- Đào tạo cập nhật nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS từ tỉnh đến xã, phường;
- Củng cố mạng lưới chăm sóc SKSS;
- Kiếm tra, giám sát hỗ trợ công tác chăm sóc SKSS;
- Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác chăm sóc SKSS.